Theo Reuters, bình luận trên được quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ (giấu tên) đưa ra ngày 27-2.
Quan chức này cho biết Washington đánh giá rằng quân đội Nga chỉ đạt được tiến bộ hạn chế trong cuộc tấn công từ ngày 24-2 do sự kháng cự gay gắt của lực lượng Ukraine và kế hoạch ban đầu thất bại khiến một số đơn vị thiếu nhiên liệu hoặc các nguồn cung cấp khác.
Trích dẫn cuộc tấn công của Nga vào TP Chernihiv, phía Bắc thủ đô Kiev, quan chức Mỹ nhận định Nga dường như đang áp dụng chiến thuật bao vây: "Có vẻ như họ đang áp dụng tâm lý bao vây. Khi áp dụng chiến thuật bao vây, nó sẽ làm tăng khả năng bị thiệt hại tài sản".
Cho đến nay, cuộc tấn công của Nga chưa đạt được bất kỳ thắng lợi lớn nào: chưa chiếm được thành phố nào của Ukraine, chưa kiểm soát không phận Ukraine và lực lượng Nga vẫn cách trung tâm Kiev khoảng 30 km.
Mỹ tính toán Nga đã bắn hơn 350 tên lửa vào các mục tiêu ở Ukraine cho đến nay. Ảnh: PA
Reuters cho hay chiến thuật bao vây thường bao gồm việc bao vây các vị trí của đối phương, cắt đứt các đường tiếp tế và thoát hiểm, sau đó tấn công bằng lực lượng tổng hợp trong đó có thiết giáp, bộ binh và công binh.
Quan chức Mỹ nói thêm vẫn còn phải xem Nga sẽ làm gì tiếp theo nhưng những dấu hiệu ban đầu rất đáng lo ngại. "Cách họ bố trí lực lượng xung quanh TP Chernihiv, cách họ bắt đầu cuộc tấn công bằng tên lửa... khiến chúng tôi lo ngại. Để một cuộc bao vây thành công, về cơ bản, họ sẽ nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự và gây tổn hại cho dân thường" - quan chức Mỹ lưu ý.
Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy một số phương tiện quân sự của Nga ở Ukraine, bao gồm cả xe tăng chiến đấu, dường như bị bỏ lại do hết nhiên liệu, làm dấy lên nghi vấn về vấn đề hậu cần.
Xe tăng Nga tại miền Đông Ukraine ngày 27-2. Ảnh: Reuters
"Họ chỉ đơn giản là không có nhiều kinh nghiệm di chuyển tại một quốc gia khác ở mức độ phức tạp và quy mô lớn như thế này. Không rõ đó là thất bại trong việc lập kế hoạch hay thực hiện kế hoạch song lực lượng Nga có khả năng thích ứng và vượt qua thách thức. Hiện tại, Nga chuyển đến Ukraine chưa tới 1/3 quân số dàn trận xung quanh biên giới nhưng tốc độ đang gia tăng trong những ngày gần đây" - quan chức Mỹ nhận định.
Ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh đặt lực lượng răn đe hạt nhân trong tình trạng báo động, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley và Tư lệnh hàng đầu về châu Âu Tod Wolters của Mỹ đã tổ chức một cuộc họp để thảo luận về quyết định này.
Khi được hỏi liệu Mỹ có tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine sau tuyên bố của ông Putin hay không, quan chức Mỹ nói trên cho biết: "Sự hỗ trợ đó sẽ tiếp tục được duy trì".
Cựu quan chức cấp cao Lầu Năm Góc Mick Mulroy bình luận quyết định của ông Putin là "phản ứng trước những tổn thất trên chiến trường".
Bình luận (0)