Đảng cánh tả Syriza với chủ trương chống khắc khổ đã chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử trước hạn ở Hy Lạp hôm 25-1, đe dọa dẫn đến một cuộc đối đầu với các chủ nợ quốc tế cùng xáo trộn không nhỏ trong khối sử dụng đồng euro (Eurozone) mà nước này là 1 trong 19 thành viên.
Theo đài BBC, với 149/300 ghế giành được tại quốc hội Hy Lạp, Syriza đã bắt tay với Đảng Greek Independents (Người Hy Lạp độc lập, giành được 13 ghế) để lập liên minh cầm quyền. Thủ lĩnh Syriza Alexis Tsipras tuyên thệ nhậm chức thủ tướng hôm 26-1 với cam kết đưa ra kế hoạch khôi phục kinh tế riêng mà không gây thâm hụt ngân sách nhà nước.
Tuyên bố ngay sau chiến thắng của Syriza, ông Tsipras cam kết sẽ chấm dứt “5 năm tủi nhục và đau khổ” mà Hy Lạp phải trải qua kể từ khi nhận gói giải cứu tài chính quốc tế trị giá 240 tỉ euro vào năm 2010. Để được giải cứu, Hy Lạp phải cắt giảm chi tiêu và lương bổng giữa lúc tăng cường sa thải trong lĩnh vực công và liên tục tăng thuế.
Người dân Hy Lạp không ngừng bất mãn khi tỉ lệ thất nghiệp tăng lên 25% trong lúc hàng triệu người bị đẩy vào cảnh nghèo khổ. Vì thế, không có gì khó hiểu khi Syriza giành được nhiều lá phiếu nhất với lời hứa sẽ yêu cầu các chủ nợ quốc tế xóa bớt nợ và thương thảo lại điều khoản của gói cứu trợ nêu trên.
Ông Tsipras tươi cười sau khi tuyên thệ nhậm chức thủ tướng. Ông không đeo cà vạt khi có mặt tại buổi lể này.
Ảnh: AP
Theo báo The Wall Street Journal, thách thức tức thì mà chính phủ Hy Lạp mới gặp phải là ngân khố trống rỗng, trong khi chương trình giải cứu dành cho họ sẽ chấm dứt vào ngày 28-2. Hiện trạng này gia tăng sức ép, buộc họ phải đạt được thỏa thuận nào đó với bộ ba chủ nợ quốc tế - Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - để có nhiều tỉ euro trang trải trong những tháng tới hoặc một lần nữa đối mặt nguy cơ vỡ nợ.
Theo BBC, Athens và bộ ba chủ nợ nhiều khả năng sẽ thương thảo một thỏa thuận ngắn hạn để giữ mọi chuyện trong tầm kiểm soát dù không dễ dàng gì. Syriza muốn thay kế hoạch giải cứu sắp hết hạn bằng một thỏa thuận mới, trong đó nới lỏng các biện pháp khắc khổ, chấm dứt cải cách liên quan đến thị trường tự do và giảm bớt gánh nợ nần của Hy Lạp. Tuy nhiên, các chủ nợ đến giờ vẫn nhấn mạnh Athens phải tuân thủ các cam kết trước đó nếu muốn được tiếp tục giúp đỡ.
“Có nguy cơ đối đầu lâu dài khi Syriza tìm cách thương thảo về vấn đề tái cấu trúc nợ nhưng lại không muốn thất hứa với cử tri về cắt giảm thuế, tăng chi tiêu chính phủ và lương tối thiểu” - ông Jonathan Loynes, nhà kinh tế trưởng về châu Âu tại Công ty Capital Economics, cảnh báo.
Lập trường quá khác biệt làm gia tăng nỗi lo Hy Lạp rời Eurozone, từ đó tác động tiêu cực đến thị trường toàn cầu. Giá trị đồng euro so với USD kịp hồi phục sau khi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4-2003 vào ngày 26-1. Tương tự là tình hình các thị trường chứng khoán lớn ở châu Âu và châu Á.
Kết quả bầu cử ở Hy Lạp là một trong những nội dung chính tại hội nghị bộ trưởng tài chính các nước Eurozone (gọi là Eurogroup) tại Brussels - Bỉ ngày 26-1. Trước tuyên bố muốn xóa một nửa số nợ của Hy Lạp song song với việc duy trì vai trò thành viên Eurozone của ông Tsipras, Chủ tịch Eurogroup Jeroen Dijsselbloem nhấn mạnh: “Khó có cơ hội xóa nợ ở châu Âu. Nếu muốn ở lại Eurozone, bạn phải tuân thủ các nguyên tắc”. Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ hy vọng chính phủ mới của Hy Lạp sẽ thực hiện cam kết với các chủ nợ quốc tế.
Ông Alexis Tsipras phát biểu trước đám đông ủng hộ sau chiến thắng của Đảng Syriza
Ảnh: Reuters
Hãng tin Reuters nhận định chiến thắng của Syriza có thể khích lệ những lực lượng chống khắc khổ khác ở châu Âu, cũng như thêm sức nặng lên lời kêu gọi rời xa các biện pháp thắt lưng buộc bụng, cải cách cấu trúc mà Đức đang hậu thuẫn mạnh mẽ.
Lời kêu gọi này không chỉ đến từ những phong trào như Podemos ở Tây Ban Nha mà còn từ một số nhà lãnh đạo châu Âu, như Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Ý Matteo Renzi.
Ông Hollande hôm 26-1 chúc mừng ông Tsipras, đồng thời cam kết hợp tác chặt chẽ nhằm hỗ trợ tăng trưởng và ổn định tại Eurozone. Nhà Trắng cũng bày tỏ hy vọng sẽ làm việc với chính phủ Hy Lạp mới sau khi Đảng Syriza nắm quyền.
“Che Guevara” của Hy Lạp
Ở tuổi 40, ông Alexis Tsipras có thể trở thành thủ tướng trẻ nhất Hy Lạp trong 150 năm qua, đồng thời là thủ tướng đầu tiên trong Eurozone phản đối các chính sách khắc khổ.
Nhân vật được tán tụng là “Che Guevara” của Hy Lạp này sinh trưởng ở thủ đô Athens và không hề xa lạ với chính trị. Đầu những năm 1990, chàng thiếu niên Tsipras 17 tuổi dẫn dắt sinh viên biểu tình phản đối cải cách giáo dục. Từ một thủ lĩnh sinh viên cho đến khi trở thành chính trị gia, Tsipras là anh hùng trong mắt không ít người dân Hy Lạp vì nỗ lực tranh đấu không ngừng nhằm chấm dứt thắt lưng buộc bụng. Tuy nhiên, đối với nhiều người khác, ông là hiểm họa cho chính tương lai Hy Lạp.
Về cuộc sống riêng của Tsipras, kênh Euro News tiết lộ rằng ông có 2 con trai với người bạn gái quen từ hồi trung học. Ông có lối sống khá tự do tự tại, đi lại bằng xe máy và ưa thích mặc áo sơ mi hở cổ. “Tsipras thích cuộc sống đơn giản” - Yiannis Protonotarios, một trong những giáo viên thời đại học và giờ là bạn của ông, nhận xét.
Gia Hòa
Bình luận (0)