Trước hết, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) không đề nghị cáo buộc hình sự trong vụ bà sử dụng email cá nhân cho công việc khi còn làm ngoại trưởng dù nhận định hành động này là “cực kỳ bất cẩn”.
Kết quả cuộc điều tra của FBI cho thấy có sự tương phản giữa những gì họ phát hiện và những gì bà Clinton đã nói. Chẳng hạn, trong số 30.000 email của cựu ngoại trưởng, có 110 email chứa đựng thông tin mật vào thời điểm chúng được gửi đi hoặc nhận. Điều này trái với tuyên bố hồi năm ngoái của bà Clinton rằng chưa bao giờ gửi hoặc nhận bất kỳ tài liệu nào được đánh dấu mật.
Ngoài ra, tại cuộc họp báo hôm 5-7, Giám đốc FBI James Comey cho biết bà Clinton đã sử dụng một số máy chủ và thiết bị di động khác nhau khi còn làm ngoại trưởng, đe dọa đến sự bảo mật của những thông tin nhạy cảm. Cũng từ thiếu sót này, FBI phát hiện bà Clinton không giao lại toàn bộ email liên quan đến công việc cho Bộ Ngoại giao sau khi hết làm việc ở đó, khác hẳn với tuyên bố của bà và các phụ tá.
Kết quả cuộc điều tra sẽ được chuyển sang Bộ Tư pháp và gần như chắc chắn bộ này sẽ chấp nhận đề nghị không truy tố của FBI bất chấp sức ép từ phe Cộng hòa. Tờ The Guardian (Anh) nhận định bà Clinton xem như đã thắng về pháp lý nhưng vẫn đối mặt không ít nguy cơ tại “phiên tòa dư luận”. Phe ủng hộ nói bà đã thừa nhận có phạm sai lầm và mọi chuyện nên kết thúc ở đây. Ngược lại, phe Cộng hòa chắc chắn sử dụng báo cáo của FBI để tiếp tục xoáy vào “sự không đáng tin cậy” của nữ ứng cử viên tổng thống sáng giá của Đảng Dân chủ.
Dĩ nhiên, người lớn tiếng nhất bên phe Cộng hòa chính là tỉ phú Donald Trump bởi nhiều khả năng ông đối mặt bà Clinton trong cuộc đua cuối cùng. Khi vận động tranh cử ở TP Raleigh, bang Bắc Carolina tối 5-7 (giờ địa phương), ông Trump tức tối gọi cuộc điều tra của FBI là “một bi kịch” cũng như mạnh miệng cáo buộc bà Clinton “hối lộ” Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch để thoát nạn. Cáo buộc này dựa trên thông tin của tờ The New York Times (dù mới dẫn nguồn từ những người thân cận với bà Clinton) rằng cựu ngoại trưởng cân nhắc tái bổ nhiệm bà Lynch nếu đắc cử. Đó là chưa kể cách đây mấy ngày, cựu Tổng thống Bill Clinton đã có cuộc gặp với bà Lynch.
Dù vậy, dư luận có vẻ không cản được bà Clinton toàn tâm toàn ý cho cuộc đua vào Nhà Trắng. Nỗ lực này mới nhận được sự tiếp sức đáng kể từ Tổng thống Barack Obama, người lần đầu tiên xuất hiện cùng bà Clinton tại cuộc vận động tranh cử ở TP Charlotte, bang Bắc Carolina vài giờ sau khi có kết luận của FBI. Cả hai đã dành “những lời có cánh” cho nhau, trong lúc không quên cảnh báo cử tri về “tính khí nóng nảy, sự khó lường và thiếu năng lực lãnh đạo” của tỉ phú Trump.
Bình luận (0)