Nghị quyết mới do Mỹ đề xuất được giảm nhẹ so với ban đầu nhằm giành được sự ủng hộ của Trung Quốc và Nga. Việc 2 nước này bỏ phiếu thuận phần nào cho thấy không chỉ có Washington mới hết kiên nhẫn với Bình Nhưỡng.
Mỹ ban đầu muốn cấm vận dầu Triều Tiên nhưng nghị quyết mới rốt cuộc hạn chế mức nhập khẩu dầu thô của Bình Nhưỡng là 4 triệu thùng/năm và các sản phẩm lọc dầu là 2 triệu thùng/năm.
Bên cạnh đó, nghị quyết cũng cấm xuất khẩu lao động và hàng dệt may Triều Tiên, qua đó đánh mạnh vào kinh tế nước này bởi đây là 2 trong số những nguồn thu hàng đầu đến từ bên ngoài. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Triều Tiên đạt 750 triệu USD vào năm 2016 trong khi hàng chục ngàn lao động Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài cũng đem về một nguồn thu ngoại tệ đáng kể.
Nghị quyết còn kêu gọi các nước kiểm tra bất kỳ con tàu nào bị tình nghi chở hàng hóa bất hợp pháp của Triều Tiên nhưng phải có sự đồng ý của quốc gia mà con tàu đó đăng ký hoạt động, đồng thời ngăn liên doanh giữa Triều Tiên và các công ty nước ngoài.
Các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc biểu quyết tại TP New York - Mỹ hôm 11-9 Ảnh: REUTERS
Các đồng minh lớn của Mỹ tại châu Á đã hoan nghênh việc thông qua nghị quyết trừng phạt thứ 9 nhằm vào Triều Tiên kể từ năm 2006. Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết đã chuẩn bị gia tăng áp lực nếu Triều Tiên tiếp tục từ chối chấm dứt chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Dù vậy, vẫn còn quá sớm để biết được nghị quyết trên có hiệu quả đến đâu trong việc kiềm chế tham vọng tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên.
"Trung Quốc muốn làm cho Triều Tiên cảm thấy đau đớn chứ không muốn quá khắc nghiệt đến mức khiến nước này sụp đổ. Điều đó sẽ không thay đổi nhiều trong tương lai" - ông Kim Keun-sik, giáo sư tại Trường ĐH Kyungnam (Hàn Quốc), nhận định.
Trong khi đó, ông Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng về khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Công ty IHS Markit (Anh), cho rằng Triều Tiên có thể "thích nghi" với biện pháp hạn chế nhập khẩu dầu nói trên và quân đội nước này không chịu nhiều tác động. Theo chuyên gia này, Triều Tiên vẫn sẽ nhận được nhiên liệu từ Trung Quốc để duy trì các hoạt động thiết yếu.
Bình luận (0)