Trước đó, các nhà ngoại giao này than phiền bị mất thính lực, buồn nôn, nhức đầu và rối loạn thăng bằng sau khi xảy ra các "sự cố" bắt đầu ảnh hưởng đến họ ở Havana từ cuối năm 2016 - kênh CBS đưa tin.
Từ đó, giới chức Mỹ tiến hành điều tra xem liệu các nhà ngoại giao có phải là mục tiêu của một dạng tấn công âm thanh nào đó trực tiếp vào nơi họ ở hay không.
Đại sứ quán Mỹ tại Havana. Ảnh: OBSERVATION DECK
Một nguồn tin cho biết các sự cố trên vẫn tiếp tục xảy ra ở Cuba và một số nhà ngoại giao Mỹ đã phải cắt ngắn thời gian công tác của họ ở nước này.
Khi được hỏi về thông tin trên, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết bộ này không có "câu trả lời xác định" về nguồn gốc hoặc nguyên nhân xảy ra các sự cố vừa nêu. "Một cuộc điều tra các sự việc đó đang được tiến hành" - nữ phát ngôn viên này xác nhận.
Hồi đầu tháng 8 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ thừa nhận một số nhà ngoại giao đang phục vụ tại Cuba đã quay về Mỹ vì "những lý do về y khoa" không đến nỗi đe dọa đến tính mạng.
Bà Nauert nhấn mạnh cách đây 2 tuần, Bộ Ngoại giao Mỹ có biết về các sự cố xảy ra tại đại sứ quán Mỹ ở Havana vào cuối năm 2016. Bà khẳng định chúng "gây ra nhiều triệu chứng về thể lý khác nhau" nơi các nhân viên chính phủ Mỹ.
Sau đó, một số công dân Mỹ tại đại sứ quán Mỹ ở Havana đã được dời đi nơi khác để điều trị các triệu chứng bất thường trong vòng 6 tháng qua.
Washington đã trục xuất 2 nhà ngoại giao Cuba sau các sự việc kể trên, còn Havana xác nhận đang điều tra các cáo buộc của Mỹ và tuyên bố sẽ không bao giờ cho phép lợi dụng lãnh thổ nước này để có bất cứ hành động nào chống lại các nhà ngoại giao hoặc gia đình họ.
Trong khi đó, nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Canada Brianne Maxwell cho biết Canada đang điều tra để xác định nguyên nhân.
"Thời điểm nay, chúng tôi không có lý do gì để đoan chắc du khách Canada và các khách du lịch khác có thể bị ảnh hưởng" - bà này nhấn mạnh.
Bình luận (0)