Đầu năm 2017, bệnh viện Trường ĐH Miami (Mỹ) nhận được cuộc điện thoại từ chính quyền Tổng thống Donald Trump, yêu cầu xác định bệnh tình của một số nhà ngoại giao Mỹ tại Cuba.
"Những vụ tấn công" bí ẩn
Tờ The New York Times tiết lộ ít nhất 6 bệnh nhân đã được đưa từ Cuba đến bệnh viện này trong năm nay để tìm hiểu nguyên nhân khiến họ bị đau đầu, chóng mặt và mất thính lực. Một trong số bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng hơn là rối loạn máu. Trong tháng này, một chuyên gia của Trường ĐH Miami tới thủ đô Havana - Cuba để kiểm tra các nhân viên đại sứ quán Mỹ khác.
Vụ việc được công khai gần đây và khiến quan hệ ngoại giao Mỹ - Cuba vừa nồng ấm lại gặp thử thách không nhỏ. Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Havana chỉ mới mở cửa lại năm 2015. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 11-8 cho rằng những người nói trên là nạn nhân của "các vụ tấn công sức khỏe" bí ẩn và cho rằng Cuba có trách nhiệm tìm ra ai đứng sau.
Trước đó 2 ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert không tiết lộ có bao nhiêu người bị ảnh hưởng mà chỉ cho biết Washington đã trục xuất hai nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Cuba hồi tháng 5.
Bộ Ngoại giao Cuba ngay sau đó đã ra tuyên bố bác bỏ sự liên quan, cũng như chỉ trích quyết định trục xuất 2 nhà ngoại giao của Mỹ là "vô lý và không có cơ sở". "Cuba chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ cho phép sử dụng lãnh thổ Cuba cho bất kỳ hành động nào nhằm gây hại các nhà ngoại giao chính thức hay gia đình của họ" - tuyên bố khẳng định. Havana cho biết đã lập một ủy ban điều tra và cho tăng cường an ninh tại đại sứ quán và nơi ở của các nhà ngoại giao Mỹ ở Havana sau khi nhận được thông tin về vụ việc vào hôm 17-2.
Theo AP, một số nhà ngoại giao Mỹ ở Cuba bắt đầu mắc triệu chứng lạ khiến họ mất thính giác vào mùa thu năm 2016. Một số nhà ngoại giao trong số này chỉ mới đến Đại sứ quán Mỹ ở Havana không lâu trước đó.
Sau nhiều tháng điều tra, giới chức Mỹ cũng kết luận "thủ phạm" là một loại thiết bị sóng âm được đặt trong hoặc ngoài nơi họ cư trú. Tuy nhiên, hiện chưa rõ thiết bị này được sử dụng như vũ khí tấn công hay có những mục đích khác.
Đại sứ quán Mỹ tại Havana Ảnh: Reuters
Không liên quan tới nước chủ nhà?
Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Cơ quan An ninh ngoại giao Mỹ đang nỗ lực tìm câu trả lời cho những thắc mắc nói trên. Có ý kiến cho rằng một số nhân vật nào đó trong cộng đồng tình báo Cuba tự ý gây ra vụ việc nhằm phá hoại nỗ lực hòa giải được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama theo đuổi. Một giả thuyết được nói đến nhiều hơn là một loại công nghệ nghe lén mới nào đó bị trục trặc ngoài dự kiến.
Dù thế, một số nguồn tin nói với AP rằng cuộc điều tra của Mỹ đang tập trung vào khả năng một nước thứ ba, như Nga, ra tay mà giới lãnh đạo Cuba không hay biết. Hướng điều tra là liệu vụ tấn công có phải nhằm "trả đũa" chính sách của Mỹ đối với Cuba thời gian qua.
Ông Mark Feierstein, cựu cố vấn cao cấp của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, nhận định việc Tổng thống Donald Trump không dỡ bỏ toàn bộ chính sách đối với Havana của người tiền nhiệm Barack Obama cho thấy ngay cả chính phủ Mỹ cũng không tin rằng giới chức cấp cao Cuba có liên quan đến vụ tấn công bí ẩn.
Hồi tháng 6, ông chủ Nhà Trắng chỉ siết chặt một vài quy định về chính sách đối với Cuba và không đụng gì đến phần lớn biện pháp được ông Obama thực thi. Ông Benjamin J. Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia thời ông Obama, cũng nói với tờ The New York Times rằng thật vô lý nếu Cuba cố tình gây hại các nhà ngoại giao Mỹ về mặt thể chất.
Bí ẩn quanh vụ việc càng gia tăng sau khi chính phủ Canada hôm 10-8 cho biết một nhà ngoại giao của họ tại Cuba đang bị mất thính giác. Theo một số chuyên gia, Cuba có quan hệ rất tốt với Canada - một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất - nên càng khó hiểu nếu vụ việc có liên quan đến nước chủ nhà. Hiện chưa rõ nguyên nhân có liên quan đến việc Canada làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Cuba, góp phần giúp 2 nước bình thường hóa quan hệ hay không.
Bình luận (0)