Cụ thể, Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan đều tăng thêm 10 đầu đạn hạt nhân và lần lượt hiện có 280, khoảng 130-140 và khoảng 140-150 đầu đạn. Ngoài ra, SIPRI ước tính Triều Tiên có khoảng 10-20 đầu đạn hạt nhân.
Không chỉ vậy, cả Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan đều mở rộng và cải thiện hệ thống tên lửa trong năm 2017. Ấn Độ và Pakistan tiếp tục phát triển các loại tên lửa phóng từ đất liền, trên không và trên biển.
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc từng đưa tin nước này thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 hồi tháng 11-2017. Đây là hệ thống tên lửa hạt nhân lớn nhất của Trung Quốc và có thể đưa vào hoạt động trong nửa đầu năm 2018.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 của Trung Quốc Ảnh: SPUTNIK
Tuy nhiên, tổng số đầu đạn hạt nhân trên thế giới giảm do Nga và Mỹ đều cắt giảm cho phù hợp với Hiệp ước về các biện pháp cắt giảm hơn nữa và hạn chế các loại vũ khí tấn công chiến lược 2010 - được gọi tắt là Hiệp ước START Mới. Theo đó, Mỹ đã giảm 350 đầu đạn, từ 6.800 còn 6.450. Khoảng 3.800 đầu đạn trong số này đang được cất giữ trong các kho quân sự. Nga vẫn còn 6.850 đầu đạn sau khi đã tiêu hủy 150 đơn vị.
Ba quốc gia hạt nhân khác - gồm Pháp, Anh và Israel - duy trì số đầu đạn tương ứng là 300, 215 và 80. Chín quốc gia hạt nhân sở hữu tổng cộng 14.465 đầu đạn nhưng riêng Mỹ và Nga chiếm đến khoảng 92% số vũ khí hạt nhân toàn cầu.
Mặc dù vũ khí hạt nhân toàn cầu nhìn chung có giảm bớt nhưng Đại sứ Jan Eliasson, Chủ tịch Hội đồng quản trị SIPRI, cho rằng các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cần cam kết một cách rõ ràng về việc tuân thủ một tiến trình có ràng buộc pháp lý theo hướng giải trừ vũ khí hạt nhân.
Bình luận (0)