Trước đó 1 ngày, ông Kerry đã đến quan sát tình hình tại Baghdad trong một chuyến thăm khẩn cấp tới Trung Đông. Trong nhiều tuần qua, thủ đô của Iraq đang bị đe dọa bởi nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL), một nhánh của phong trào khủng bố khét tiếng al-Qaeda.
Các quan chức Washington tin rằng việc thuyết phục người Kurd hợp tác là bước đi đúng đắn để giải quyết tình hình xung đột tại Iraq. “Nếu họ rút khỏi tiến trình chính trị Baghdad, rất nhiều xu hướng tiêu cực sẽ bị kéo theo”.
Tổng thống người Kurd Massoud Barzani phát biểu lúc bắt đầu cuộc hội đàm: “Chúng tôi đang phải đối mặt với một thực tế mới và một nhà nước Iraq mới". Ông Barzani cũng đổ lỗi cho “chính sách sai lầm” của Thủ tướng Nuri al-Maliki đã đẩy đất nước vào cuộc xung đột bạo lực và kêu gọi ông al-Maliki từ chức.
Một số quan chức cấp cao người Kurd khẳng định họ không còn lòng tin vào chính quyền Baghdad và đang chờ đợi thời cơ tìm kiếm sự độc lập.
Kể từ cuộc xâm lược của Mỹ vào Iraq năm 2003 và thời điểm cố Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ, 5 triệu người Kurd sinh sống hòa bình ở khu vực tự trị do họ thành lập. Tuy nhiên, 2 ngày sau khi quân nổi dậy ISIL chiếm giữ thành phố Mosul, quân đội Kurd đã nhanh chóng nắm quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố Kirkuk – được cho là thủ đô lịch sử của họ - do binh lính Iraq bỏ lại.
Trong khi Washington đang hy vọng việc tạo ra bộ máy chính phủ mới ở Baghdad sẽ làm cho lực lượng nổi dậy suy yếu thì chính quyền Thủ tướng al- Maliki phải vất vả chạy đua với thời gian trước bước tiến thần tốc của ISIL nhăm nhe đe dọa tiến về thủ đô.
Nhà máy lọc dầu Baiji, một cụm công nghiệp chiến lược ở miền Bắc Iraq vẫn bị quân chính phủ và ISIL giằng co. Ba ngày qua, toàn bộ quân đội Baghdad rút khỏi vùng biên giới phía tây giáp Jordan và Syria, để các chiến binh người Sunni kiểm soát một số tuyến đường thương mại quan trọng nhất ở Trung Đông.
Bình luận (0)