Bà Bishop khẳng định phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc (PCA) tại Hague trong vụ này sẽ "cực kỳ quan trọng" và được coi như tuyên bố về nguyên tắc quốc tế.
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop phát biểu tại Liên Hiệp Quốc năm 2014. Ảnh: AP
Nữ Ngoại trưởng cũng nhận định dù Trung Quốc có tuyên bố không liên quan tới phán quyết của PCA, dự kiến được đưa ra trong năm nay, nhưng nó sẽ được tất cả các nước khác có tuyên bố chủ quyền hoặc lợi ích trong khu vực chấp nhận và tôn trọng.
“Trong suy nghĩ của tôi, PCA sẽ giải đáp dứt điểm câu hỏi liệu một bãi đá nhân tạo có thể tạo ra chủ quyền với 12 hải lý quanh nó hay không. Cá nhân tôi tin rằng điều đó không phù hợp với luật pháp quốc tế” – bà Bishop nói trong cuộc hội thảo do Trung tâm An ninh Mỹ Mới – một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Washington.
Úc vốn không nằm trong số các nước tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, song bà Bishop khẳng định cũng giống như Mỹ, nước này ủng hộ tự do hàng hải và các chuyến bay qua khu vực này.
Cùng ngày, phát biểu tại thủ đô Washington DC (Mỹ), Ngoại trưởng Bishop cũng bác bỏ mối quan ngại rằng những căng thẳng leo thang do tranh chấp chủ quyền ở biển Đông có thể châm ngòi một cuộc xung đột mới ở châu Á.
Hình ảnh một lễ diễu binh của Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Bà khẳng định Canberra theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến ở châu Á và khu vực biển Đông. Ngoại trưởng Úc cho rằng mặc dù Trung Quốc, Ấn Độ và Nga đổ tiền rầm rộ cho hải quân, với mức chi quân sự ở Nam, Đông và Bắc Á tăng gần 75% từ năm 2004-2014, song sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng khu vực châu Á đang tiến tới một cuộc xung đột không thể tránh khỏi.
Theo bà, hoạt động vũ trang đó không nhằm chuẩn bị cho chiến tranh mà phần lớn chỉ là hoạt động cho quốc phòng và nâng cao năng lực cho các lực lượng quân sự khác nhau.
Bình luận (0)