Sau nhiều tháng chờ đợi, 2 trong số những người đàn ông quyền lực nhất thế giới đã mặt đối mặt tại hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại TP Hamburg - Đức. Khi máy quay lia đến những cử chỉ chào hỏi đầu tiên, các chuyên gia về ngôn ngữ cơ thể đã vào cuộc ngay lập tức để phân tích cuộc đàm phán phi ngôn từ giữa 2 nhà lãnh đạo.
Mặc dù các chuyên gia có khá nhiều ý kiến khác nhau nhưng họ đều nhất trí ở một điểm: Ông Donald Trump, người thường xuyên bị chê vì cách bắt tay có phần hung hăng, lại có biểu hiện không giống bình thường trong cuộc họp ngày 7-7.
"Lần này hoàn toàn khác biệt. Trong tất cả những cái bắt tay mà tôi đã xem trước đó, ông ấy muốn trở thành người chiếm ưu thế và làm đối phương mất ổn định" - bà Tonya Reiman, tác giả cuốn sách "Sức mạnh của ngôn ngữ cơ thể", nhận xét.
Cái bắt tay không giống như bình thường của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Steffen Kugler
Trong cuộc gặp với tổng thống Nga, tổng thống thứ 45 của Mỹ lại tỏ ra từ tốn hơn. Ông Donald Trump dường như giữ một khoảng cách xa hơn bình thường khi bắt tay ông Putin và không kéo giật tay đối phương như thường làm. Không những thế, tổng thống Mỹ còn vươn tay để nắm vào tay phải của người đồng cấp.
Nói cách khác, đây không phải là những cử chỉ quen thuộc của ông Donald Trump. "Trong hầu hết các lần trước, ông ấy đều chào hỏi một cách thân mật, mỉm cười, bước thẳng về phía đối phương. Còn lần này, bạn có thể thấy ông ấy rất thận trọng, không mỉm cười hết cỡ, không ngả về phía ông Putin mà còn tránh ra" - bà Lillian Glass, một chuyên gia giao tiếp và ngôn ngữ cơ thể, nói.
Đối với bà Glass, nguyên nhân của sự thay đổi này rất đơn giản. "Ông Donald Trump không muốn cho người Mỹ và thế giới thấy những ấn tượng sai. Ông ấy không muốn tỏ ra quá thân thiện" - bà Glass lý giải.
Sự im lặng kéo dài của ông Vladimir Putin khiến tổng thống Mỹ tỏ ra không thoải mái. Ảnh: REUTERS
Còn đối với bà Patti Wood, tác giả của cuốn sách "Cách tận dụng tối đa ấn tượng đầu tiên, ngôn ngữ cơ thể và sự thu hút", tổng thống Mỹ có vẻ tôn trọng đối phương trong cái bắt tay đầu tiên. "Tôi muốn bạn để ý điều này: trong khi ông Putin đứng thẳng người tại chỗ thì ông Donald Trump lại là người bước tới" - trích lời bà Wood.
Ngoài ra, một số thời điểm then chốt khác còn tạo ra cái nhìn sâu sắc hơn. Một trong số đó là sự khác biệt khá lớn về chiều cao. "Người ta vẫn thường nghĩ ông Putin là một người đàn ông cao lớn, quyền lực. Tuy nhiên, khi đứng cạnh người đồng cấp Mỹ, tổng thống Nga bỗng trở thành một người đàn ông nhỏ bé" - bà Glass nói.
Trong lúc bắt tay, ông Donald Trump đã vươn người sang và dùng tay trái vỗ nhẹ tay phải của ông Putin. "Cái vỗ này có ý nói: 'Tôi ủng hộ ông'" - bà Wood tiết lộ và nói thêm rằng "việc dùng tay trái trong lúc bắt tay thể hiện sức mạnh và sự kiểm soát với đối phương".
Dường như Tổng thống Putin là người chiếm ưu thế trong cuộc gặp đầu tiên. Ảnh: REUTERS
Về phần tổng thống Nga, trong những phút cuối cùng của cuộc gặp, ông Putin đã dùng ngón tay trỏ chỉ về phía ông Donald Trump. "Thời điểm diễn ra việc này khá thú vị vì đó là khi ông Putin vừa nhoài người ra phía trước vừa chỉ tay. Đây là hành động thể hiện quyền lực của tổng thống Nga" - bà Wood phân tích.
Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của bà Reiman: "Đó là một hành động thể hiện uy quyền. Bạn chỉ tay về phía người khác để chứng tỏ quyền lực, sức mạnh của bản thân".
Với tính tình của 2 người đàn ông, không có gì khó khăn để đoán ra rằng cả 2 đều sẽ cố gắng khẳng định uy thế của bản thân, bằng cả ngôn ngữ và hành động, trong suốt thời gian gặp mặt. Tuy nhiên, bà Reiman cho rằng tổng thống Nga chiếm ưu thế trong "cuộc đọ sức thầm lặng" này.
Bình luận (0)