Ngoại trừ Nhà Trắng, vẫn còn rất nhiều người không tin Triều Tiên sẽ chịu từ bỏ vũ khí hạt nhân. Những thông tin rò rỉ gần đây về việc Bình Nhưỡng tiếp tục nỗ lực phát triển kho vũ khí hạt nhân và tên lửa làm dấy lên mối lo ngại Tổng thống Donald Trump mất nhiều hơn được tại hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un ở Singapore hồi tháng 6.
Vào tuần rồi, cuộc gặp cấp tướng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên tại làng biên giới Bàn Môn Điếm là diễn biến đáng kể nhất trong tiến trình hâm nóng quan hệ diễn ra trước cả hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Tại cuộc gặp, hai tướng đến từ 2 miền Triều Tiên đã thảo luận về việc giảm vũ khí bên trong khu phi quân sự (DMZ), dừng các cuộc tập trận và dời các khẩu pháo xa biên giới 2 nước, theo truyền thông Hàn Quốc.
Các quan chức Hàn Quốc muốn biến DMZ đầy mìn thành khu bảo tồn tự nhiên phi vũ khí như một biểu tượng của sự tiến triển trong mối quan hệ 2 nước.
Trung tướng Triều Tiên An Ik-san bắt tay với Thiếu tướng Hàn Quốc Kim Do-gyun trong cuộc gặp tại Nhà Hòa bình ở làng Bàn Môn Điếm - Hàn Quốc hôm 31-7 Ảnh: REUTERS
Mọi phản ứng của ông Trump về vấn đề Triều Tiên luôn trở thành tiêu điểm trên truyền thông. Nhưng động lực thực sự lại đến từ các mối liên hệ giữa 2 miền Triều Tiên. Ông Kim từng đánh tín hiệu trong bài phát biểu mừng năm mới đầu năm nay rằng ông muốn dùng năng lực hạt nhân của Triều Tiên để làm đòn bẩy phát triển kinh tế và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bắt tín hiệu quyết liệt bằng lời mời Bình Nhưỡng tham dự thế vận hội mùa đông, từ đó mở ra những tiến triển ngoại giao vượt bậc. Dù ông Trump ủng hộ khởi đầu này nhưng ông không phải là người tạo ra bước ngoặt.
Tâm trạng ngoại giao của Washington đầy biến động trong gần 2 tháng qua, kể từ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều hôm 12-6 tại Singapore. Sự lạc quan quá mức của Mỹ về phi hạt nhân hóa nhanh chóng (được thúc đẩy bởi ông Trump) đã gây ra tâm lý vỡ mộng và thất vọng khi phía Triều Tiên chưa có động thái rõ ràng. Việc Mỹ gây áp lực đẩy nhanh tiến trình dẫn đến sự phản đối của Triều Tiên.
Có thể thấy bế tắc trên bán đảo Triều Tiên đã nhạt bớt, ít nhất là tạm thời, nhờ một loạt biện pháp xây dựng lòng tin từ chính quyền ông Kim bất chấp Bình Nhưỡng chưa khởi động tiến trình phi hạt nhân hóa. Dù vậy, bước đầu họ có những động thái thiện chí. Hồi tháng trước, Triều Tiên đã tháo dỡ các cơ sở thử nghiệm phóng tên lửa và vệ tinh, sau đó trao trả hài cốt của các binh sĩ Mỹ tham gia cuộc chiến Triều Tiên (1950-1953) như cam kết.
Washington muốn bắt đầu quá trình phi hạt nhân hóa bằng việc làm rõ các kho nguyên vật liệu và địa điểm thử hạt nhân của Triều Tiên. Trong khi đó, Bình Nhưỡng vẫn trì hoãn nhằm chờ đợi Mỹ "hành động" thêm.
Một vấn đề quan trọng trước mắt đối với cả Mỹ lẫn 2 miền Triều Tiên là một tuyên bố chung chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Tại hội nghị thượng đỉnh ở làng Bàn Môn Điếm hôm 27-4, ông Moon và ông Kim cam kết tuyên bố nói trên sẽ được đưa ra trước cuối năm nay. Nhưng Mỹ do dự vì muốn Triều Tiên có bước đi phi hạt nhân hóa nhiều hơn.
Theo thông tin chi tiết được Hàn Quốc công bố sau hội nghị ở Bàn Môn Điếm, một tuyên bố chính thức khép lại chiến tranh sẽ thúc đẩy phi hạt nhân hóa, giúp Triều Tiên vơi bớt lo âu về mặt an ninh. Hàn Quốc cho rằng tuyên bố nêu trên - có lẽ được đồng ký kết với Trung Quốc - sẽ không ảnh hưởng đến sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở miền Nam. Theo Seoul, 2 miền Triều Tiên có thể đồng thuận riêng rằng quân đội Mỹ có thể kiểm soát ảnh hưởng của Trung Quốc trên bán đảo Triều Tiên.
Trong một cuộc phỏng vấn cuối tháng 7, Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Cho Yoon-je lý giải tầm quan trọng của tuyên bố chấm dứt chiến tranh và các biện pháp xây dựng lòng tin khác là chiếc cầu dẫn đến phi hạt nhân hóa. Nói cách khác, con đường từ Bình Nhưỡng đến Washington có thể thông qua Seoul.
Hàn Quốc cũng đang thúc đẩy Triều Tiên làm việc với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm khởi đầu con đường hội nhập nền kinh tế toàn cầu. Ông Cho nói rằng IMF và WB sẽ không chỉ cung cấp các khoản vay mà quan trọng hơn là những lời khuyên về chính sách cho quá trình chuyển đổi kinh tế. Một lần nữa, Mỹ tỏ ra thận trọng trong việc nhượng bộ trước khi Triều Tiên thực hiện các bước đi rõ ràng hướng đến dỡ bỏ hạt nhân.
Hôm 27-7, Triều Tiên tổ chức lễ kỷ niệm "mừng chiến thắng" trong chiến tranh Triều Tiên. Cựu chuyên gia phân tích Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), ông Robert Carlin, cho hay Triều Tiên từng tự hào đã đánh bại "những kẻ gây hấn theo chủ nghĩa đế quốc do Mỹ dẫn đầu". Nhưng tuyên bố năm nay của chính quyền Bình Nhưỡng chỉ đề cập đến "chủ nghĩa đế quốc". Sự thay đổi từ ngữ nhỏ như thế cho thấy thực sự đã có bước đột phá trong mối quan hệ giữa các bên.
Bình luận (0)