Lý do được đưa ra là không tìm thấy manh mối nào để có thể tiếp tục nỗ lực tìm kiếm.
“Dù đã nỗ lực sử dụng mọi công nghệ tốt nhất, cuộc tìm kiếm vẫn không thể định vị được chiếc máy bay mất tích. Việc đưa ra quyết định đình chỉ tìm kiếm dưới biển không hề khinh suất hay vô tâm” - thông cáo chung của 3 nước giải thích.
Chiếc tàu cuối cùng đã rời khỏi khu vực tìm kiếm hôm 17-1, khép lại chiến dịch tìm kiếm trên diện tích 120.000 km vuông ở vùng biển Nam Ấn Độ Dương kéo dài gần 3 năm qua.
Máy bay tìm kiếm dấu vết MH370 ở vùng biển Nam Ấn Độ Dương. Ảnh: REUTERS
Voice370, một nhóm ủng hộ người thân các nạn nhân trên chuyến bay MH370, tỏ ra thất vọng trước động thái trên. “Các máy bay thương mại không được phép mất tích không dấu vết” - thông cáo của nhóm viết. Nhóm này cho rằng việc dừng lại chiến dịch tìm kiếm là “vô trách nhiệm”, “cho thấy sự thiếu lòng tin đến không ngờ đối với các dữ liệu, công cụ và khuyến nghị của nhiều chuyên gia”.
Hồi tháng 7-2016, Malaysia, Úc và Trung Quốc đã đồng ý ngưng cuộc tìm kiếm tiêu tốn 145 triệu USD nếu không tìm thấy máy bay hoặc bằng chứng mới. Đến tháng 12 năm ngoái, Úc bác bỏ đề nghị chuyển hướng các tìm kiếm về phía Bắc Ấn Độ Dương vì cho rằng không có bằng chứng mới nào củng cố cho đề xuất đó.
Chiếc máy bay Boeing 777 biến mất hồi tháng 3-2014 khi chở theo 239 hành khách và phi hành đoàn, chủ yếu là người Trung Quốc. Máy bay gặp nạn khi đang trên hành trình từ thủ đô Kuala Lumpur - Malaysia đến thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc.
Hơn 30 mảnh vỡ được cho là của chiếc máy bay xấu số MH370 được tìm thấy sau đó trên bờ biển của Mauritius, đảo Réunion của Pháp ở Ấn Độ Dương, Mozambique, Tanzania và Nam Phi.
Malaysia và Úc là 2 quốc gia đóng góp phần lớn tài chính cho cuộc tìm kiếm.
Bình luận (0)