Đường Quyên có thể được trả tự do sau khi xuất hiện một nhân tố bí ẩn: người được tòa án gọi là "ông C". Người này tự nhận là luật sư của bà Đường, sẵn sàng vay 500.000 USD dựa trên giá trị nhà ở để bảo lãnh tại ngoại trả tiền bảo lãnh cho nhà nghiên cứu.
Thẩm phán Newman cho biết ông cảm thấy "kinh ngạc" khi ông C mạo hiểm cả hạnh phúc gia đình để giúp đỡ cho một người mà ông này chưa từng nói chuyện hay gặp mặt cho đến trước hôm 27-8.
Đường Quyên có thể được trả tự do sau khi xuất hiện người được tòa án gọi là "ông C" - tự nhận là luật sư của bà Đường. Ảnh: Bộ Tư pháp Mỹ
Trước tòa ngày 27-8, ông C kể lại câu chuyện của mình và đôi khi phải dừng lại để kiềm chế sự xúc động. Ông cho biết mình là người nhập cư từ Trung Quốc và từng sống ở miền Trung Tây nước Mỹ trước khi được nhập tịch. Ông C nói rằng ông được hỗ trợ rất nhiều bởi cộng đồng người Mỹ gốc Hoa trong một thời gian dài.
Ông C nói trước tòa: "Theo một cách nào đó, nó giống như là chúng tôi đang cố gắng để giúp bà ấy hiểu hệ thống này. Tôi không bình luận về việc bà ấy có tội hay không". Ông C nói thêm rằng luôn dạy các con giúp đỡ người khác.
Thẩm phán Newman nói rõ: "Tôi muốn chắc chắn họ, đặc biệt là tiến sĩ Đường, hiểu rằng nếu bà ấy chạy trốn, họ sẽ xong đời - họ sẽ mất căn nhà".
Trong khi đó, các công tố viên lập luận nếu bà Đường được tại ngoại, chính phủ Trung Quốc rất có thể giúp người này tẩu thoát.
Thẩm phán Newman cho biết đại dịch Covid-19 đã làm chậm quá trình xét xử. Ông nói thêm: "Có cáo buộc rằng bà Đường là một phần trong "âm mưu lớn" của hoạt động gián điệp quốc tế. Tuy nhiên cô ấy không bị buộc tội gián điệp".
Hiện bà Đường đang bị giam giữ ở nhà tù quận Sacramento, nơi được cho là có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao. Các luật sư từng lo rằng nhà nghiên cứu bị hen suyễn nên bà Đường "có nguy cơ bị các biến chứng nghiêm trọng nếu bị nhiễm Covid-19".
Ngày 28-8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng họ không hay biết về hành động của "ông C", kêu gọi Mỹ đảm bảo sức khỏe, sự an toàn và các quyền của bà Đường.
Đường Quyên lẩn trốn trong lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco. Ảnh: Google Maps
Trước đó, nhà nghiên cứu Đường Quyên bị cáo buộc gian lận visa vì không tiết lộ mình từng là thành viên của lực lượng vũ trang Trung Quốc trước khi đến trường ĐH California Davis, làm công tác nghiên cứu về bệnh ung thư.
Người này cũng được cho là ẩn náu trong Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở TP San Francisco (bang California) trong vài tuần trước khi bị bắt giữ và đây là một trong chuỗi những sự kiện căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian qua.
Kể từ đó, bà Đường liên tục yêu cầu được tại ngoại trong thời gian chờ xét xử và bị từ chối bảo lãnh 1 lần vào ngày 31-7. Khi đó tòa án bác vì cho rằng bà này có thể trốn khi được tại ngoại.
Quyết định cho bà Đường tại ngoại của thẩm phán Newman có hiệu lực vào tuần tới.
Các luật sư bào chữa cho rằng ngay cả khi bà Đường bị kết tội, nhà nghiên cứu này có thể chỉ phải đối mặt với một bản án tù ngắn hạn. Theo luật sư Malcolm Segal (bào chữa cho bà Đường), bà có thể sẽ lãnh án 6 tháng hoặc ít hơn, mức án nặng nhất là 1 năm tù giam.
Bình luận (0)