Người biểu tình lặp lại lời kêu gọi ông Lương Chấn Anh từ chức. Nhiều người vẫn chưa hết bất bình với phát biểu trước đó của ông khi cho rằng phổ thông đầu phiếu sẽ dẫn tới việc người nghèo có nhiều tiếng nói hơn trong chính trị(!).
Hố sâu khác biệt vẫn ngăn cách giữa người biểu tình và chính quyền Hồng Kông dù hai bên lần đầu tiên ngồi vào bàn đàm phán 1 ngày trước đó. Tổng thư ký quản trị Lâm Trịnh Nguyệt Nga cam kết sẽ chuyển yêu cầu về bầu cử của người dân đặc khu tới Bắc Kinh. Tuy nhiên, các thủ lĩnh Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông (HKFS) muốn biết cụ thể hơn.
Người biểu tình “bảo vệ” chướng ngại vật ở khu Vượng Giác hôm 22-10
Ảnh: REUTERS
Tỏ ra thất vọng sau cuộc đàm phán, các thủ lĩnh HKFS nói họ chưa quyết định có tiếp tục đối thoại hay không nhưng chắc chắn biểu tình sẽ tiếp diễn cho đến khi chính quyền chấp nhận cải cách bầu cử.
Phát biểu với báo giới, Tổng thư ký HKFS Chu Vĩnh Khang hôm 22-10 gọi các đề xuất của chính quyền là “một kiểu mập mờ”. Trong khi đó, một đại diện khác của HKFS là Sầm Ngao Huy chia sẻ anh bị sốc vì chính quyền Hồng Kông cương quyết yêu cầu người biểu tình tuân thủ các nguyên tắc bầu cử do Bắc Kinh đề ra.
Tòa án Tối cao Hồng Kông hồi đầu tuần ban bố lệnh cấm người biểu tình chiếm giữ các tuyến phố ở khu vực Vượng Giác (Mong Kok) nhưng cảnh sát vẫn chưa ra tay. Chiều 22-10, cảnh sát được triển khai để phòng ngừa đụng độ khi một nhóm tài xế taxi xông vào dỡ bỏ chướng ngại vật tại Vượng Giác.
Sau khi làn sóng biểu tình nổ ra ở Hồng Kông từ hôm 28-9 tới nay, số người tìm hiểu và đăng ký di cư tại Công ty Tư vấn Di cư Goldmax đã tăng 40%-50%.
Trong khi đó, Hội Liên hiệp Thanh niên Trung Quốc đang mở cuộc thăm dò ý kiến về khả năng trừng phạt những người nổi tiếng Hồng Kông ủng hộ phong trào biểu tình bằng các biện pháp như tẩy chay, cấm biểu diễn và kiểm duyệt mạng.
Bình luận (0)