Trong chương trình huấn luyện “Lòng mến khách Olympic” do Trường ĐH Olympic quốc tế của Nga đảm trách, các nhân viên khách sạn và nhân sự phục vụ Thế vận hội mùa đông Sochi được yêu cầu phải thường xuyên nở nụ cười.
Phá bỏ hình ảnh lạnh lùng
Ban Tổ chức Sochi 2014 đã yêu cầu điều nghiên chương trình “Lòng mến khách Olympic”, không chỉ gồm những bài học về nụ cười mà còn cả cách tiếp xúc. “Chúng tôi học cách phục vụ người nước ngoài ở mức độ cao vì trình độ phục vụ của chúng tôi hiện còn thấp” - Phó Giám đốc nhà nghỉ Green Grove Sanatorium ở Sochi nói.
Tổng thống Vladimir Putin (giữa) và các tình nguyện viên ở Sochi
Ảnh: THE MOSCOW NEWS
Ngay cả bà Tatyana Pomyatkinskaya, một trong những nhà tổ chức khóa huấn luyện, cũng tỏ ra phấn khởi: “Tôi kinh ngạc khi người ta dạy cách xử sự với các khách hàng khó tính, khó nết và say xỉn. Hóa ra, vẫn có thể giữ thái độ ôn hòa với những người này”.
Từ lâu, Tổng thống Vladimir Putin - đứng đầu Hội đồng Bảo trợ nhà trường - đã nỗ lực giới thiệu với toàn thế giới về bộ mặt hiện đại của Nga tại Thế vận hội 2014 cũng như phá bỏ hình ảnh người dân Nga lạnh lùng, không thích cười. Không chỉ nhìn thấy ở Olympic khả năng khôi phục hình ảnh tích cực của Nga trong mắt khách nước ngoài, ông Putin còn muốn đem lại sức sống mới cho ngành du lịch nước này.
Ông John Kerry, giám đốc người Mỹ kinh doanh ô tô ở Nga, bộc bạch: “Dịch vụ ở Nga thật tệ. Mỗi lần đến nhà hàng dùng bữa, tôi như nuốt không trôi với cảnh nhân viên phục vụ đặt món ăn lên bàn bằng khuôn mặt lạnh như tiền và lặng lẽ quay đi”. Theo báo Tây Ban Nha La Vanguardia, cái nhìn tiêu cực về nước Nga trong mắt du khách nước ngoài trước hết là do thói hành chính quan liêu, thiếu thốn cơ sở hạ tầng, giá khách sạn và phí phục vụ tăng cao.
Thoát khỏi thành kiến
Ngược với sự ôn hòa dành cho người ngoài, chính quyền Sochi tỏ ra rất nghiêm khắc với dân bản địa để chấn chỉnh nếp sống. Điển hình là nỗ lực cải tạo mặt tiền các ngôi nhà và tòa nhà. Treo máy điều hòa nhiệt độ, dựng ăng-ten lộn xộn hay phơi quần áo ngoài ban công, dưới cửa sổ đều bị phạt 50-1.500 rúp. Theo kênh truyền hình Dozhd, càng đến gần ngày khai mạc Olympic, mức phạt càng cao.
Những nỗ lực này đã mang lại một số kết quả nhất định. Olympic Sochi hiện là một trong những đề tài chính và nhiều tờ báo phương Tây không ngại viết về thế vận hội mùa đông ở Nga một cách tích cực.
Báo The Washington Post viết: “Các nhà quan sát đến Sochi đều ngạc nhiên trước đội ngũ tình nguyện viên trẻ tuổi nói tiếng Anh lưu loát và luôn sẵn sàng giúp đỡ”. Báo Nga Vzglyad nhận xét: “Nếu đọc kỹ báo chí phương Tây, ta sẽ thấy luôn tồn tại quan điểm tích cực bên cạnh những bình luận tiêu cực về Olympic Sochi”.
Về phần người dân Nga, họ xem Olympic 2014 là cơ hội để thoát khỏi thành kiến quá khứ. Cô Olga Savchenko, 25 tuổi, đã tạm ngưng việc học ở Berlin - Đức để làm tình nguyện viên tại Sochi. Cô bày tỏ với báo Daily Mail: “Tôi muốn mọi người thấy rằng người Nga tốt đẹp đến mức nào. Ở Berlin, người ta ngạc nhiên khi tôi làm điều tốt. Họ bảo là người Nga, tôi chắc hẳn phải thô lỗ”.
Bắt chó, mèo hoang
Trước thềm Olympic mùa đông, nhà chức trách Sochi có chủ trương bắt và giết những con chó hoang để tránh gây phiền toái. Kênh truyền hình Dozhd cho biết chính quyền đã có kế hoạch bắt 2.028 con chó và mèo ở khu vực trung tâm Sochi trong giai đoạn từ năm 2013 đến hết 2015. Chi phí cho mục đích này là gần 2 triệu rúp.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động bảo vệ động vật phản đối và cho rằng đó không phải là phương pháp nhân văn để giải quyết vấn đề. Theo họ, thay vì lấy Olympic làm cái cớ, nhà chức trách cần khuyến khích lập ra những điểm nuôi giữ chó vô chủ.
Bình luận (0)