Sau khi cuộc trưng cầu ý dân kết thúc hôm 1-7, Ủy ban Bầu cử Nga cho biết có 78% cử tri bỏ phiếu ủng hộ 206 đề xuất thay đổi đối với hiến pháp. Theo đài RT, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu vào khoảng 65%.
Phần lớn đề xuất thay đổi chú trọng đến một loạt vấn đề xã hội nhưng phương Tây lại quan tâm nhiều đến nội dung mà về lý thuyết cho phép ông Putin, 67 tuổi, tiếp tục tại vị thêm 2 nhiệm kỳ. Cụ thể, tổng thống chỉ được đảm nhận 2 nhiệm kỳ (mỗi nhiệm kỳ 6 năm) và số nhiệm kỳ của các tổng thống Nga được đặt về số 0. Theo hiến pháp hiện hành của Nga, một người không được làm tổng thống quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
Kết quả cuộc trưng cầu ý dân được hiển thị trên màn hình tại trụ sở Ủy ban Bầu cử Nga ở thủ đô Moscow hôm 1-7 Ảnh: REUTERS
Không dừng lại ở đó, theo trang Bloomberg, những thay đổi về hiến pháp còn trao cho ông Putin thêm quyền lực để lèo lái đất nước trong bối cảnh Nga đối mặt một số thách thức lớn, như kinh tế đang gặp khó, sự hoành hành của đại dịch Covid-19 và tình trạng giá dầu thấp. Tuy bị tác động tiêu cực do cách thức xử lý khi dịch bệnh mới xảy ra nhưng tỉ lệ ủng hộ ông Putin vẫn ở mức khá cao. Theo số liệu của worldometers.info, Nga hiện có số ca Covid-19 cao thứ 3 thế giới (hơn 660.000) trong lúc số trường hợp tử vong tiến gần cột mốc 10.000.
Trả lời đài truyền hình trước thềm cuộc trưng cầu ý dân, ông Putin nói không loại trừ khả năng ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nếu các đề xuất thay đổi hiến pháp được thông qua. Trong khi đó, phe đối lập tin chắc nhà lãnh đạo Nga sẽ làm vậy sau khi nhiệm kỳ hiện tại khép lại vào năm 2024.
Trước mắt, theo trang Bloomberg, ưu tiên của ông Putin sau cuộc trưng cầu ý dân là duy trì sự ổn định và thúc đẩy hồi phục kinh tế. Điều này thể hiện rõ qua tuyên bố của tổng thống Nga, đó là cần thay đổi hiến pháp để bảo đảm ổn định, an ninh và thịnh vượng của đất nước.
Bình luận (0)