Nhà bình luận Ben Armbruster của tờ The Guardian viết: "Chúng ta biết điều này bởi vì ông ấy đã bộc lộ điều đó trong suốt gần 2 thập kỷ qua".
Ông John Bolton, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: REUTERS
Chỉ sau khi nhận công việc trên được 1 tháng, ông Bolton đã thúc đẩy Tổng thống Trump rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), mặc dù vào thời điểm đó và ngay cả lúc này thỏa thuận trên vẫn có tác dụng ngăn chặn thành công chương trình hạt nhân của Iran cũng như chặn mọi ngả đường để Iran chế tạo bom hạt nhân.
Nhà bình luận Armbruster cho rằng JCPOA là trở ngại lớn nhất đối với nỗ lực của ông Bolton nhằm thúc đẩy một cuộc chiến tranh thay đổi chế độ, bởi nó triệt tiêu cái cớ từng khiến mọi người tin rằng cuộc chiến tranh ở Iraq cách đây 17 năm là đúng đắn.
Kể từ khi rút khỏi thỏa thuận trên, chính quyền Tổng thống Trump đã khẳng định rằng với "chiến dịch gây áp lực tối đa" đối với Iran, họ có thể đạt được "thỏa thuận tốt hơn" sẽ biến Iran thành một quốc gia phục tùng bất kỳ mong muốn nào của Mỹ.
Thế nhưng, điều này lại luôn luôn là một biện luận có ý che giấu đi mục đích thực sự (thay đổi chế độ) và bảo vệ cho các biện pháp đối đầu - lệnh trừng phạt, lời lẽ hiếu chiến và các cuộc diễn tập quân sự đối kháng - mà giờ đây đã đẩy Mỹ tiến đến gần chiến tranh với Iran hơn.
Trong tuyên bố của Nhà Trắng thông báo về việc triển khai tàu sân bay và máy bay ném bom (đã được lên kế hoạch từ trước) đến Trung Đông, ông Bolton đã trích dẫn một số dấu chỉ và cảnh báo đáng lo ngại và gia tăng từ Iran để thanh minh cho sự hiện diện được tăng cường của quân đội Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều nguồn tin đã được tiếp cận thông tin tình báo tương tự đã nhận xét ông Bolton và chính quyền ông Trump đã thổi phồng nó lên, đánh giá mối đe dọa ghê gớm hơn trên thực tế. Ngay cả một vị tướng Anh hoạt động trong khu vực đã nói rằng ông không thấy bằng chứng nào về mối đe dọa gia tăng từ Iran.
Điều đáng ngại hơn là ông Bolton biết ông ta đang làm gì. Ông là một đấu thủ quan liêu dày dạn kinh nghiệm, có kỹ năng thúc ép mạnh mẽ cho quan điểm của mình - và ông ta có một bề dày lịch sử lâu dài về việc sử dụng những kỹ năng đó để hủy hoại ngành ngoại giao Mỹ và làm việc theo hướng triệt tiêu các thỏa thuận kiểm soát vũ khí.
Là một quan chức cao cấp trong chính quyền ông George W Bush, ông ta đã đóng vai trò then chốt trong vụ làm sụp đổ Thỏa thuận Khung thời ông Bill Clinton - vốn đã đóng băng chương trình hạt nhân plutoni của Triều Tiên (Triều Tiên đã thử quả bom đầu tiên 4 năm sau đó).
Chưa hết, ông ta khẳng định "cảm thấy như một đứa trẻ trong ngày lễ Giáng sinh" sau khi ông ta dàn xếp chuyện Mỹ rút khỏi Tòa án Hình sự quốc tế. Và nay, là một quan chức cao cấp trong chính quyền Tổng thống Trump, ông ta thúc đẩy Mỹ rút khỏi hiệp định vũ khí hạt nhân quan trọng với Nga.
Trong khi vẫn chưa rõ vai trò của ông ta trong việc cản trở cuộc đàm phán của ông Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Hà Nội trong Hội nghị Thượng định vừa qua, ông Bolton đã công khai kêu gọi thiết lập điều gọi là "Khuôn mẫu Libya" với Triều Tiên (nói cách khác, thay đổi chế độ bằng vũ lực).
Chỉ vài tháng trước khi gia nhập chính quyền đương nhiệm, ông ta đã ủng hộ một cuộc chiến tranh ngăn ngừa với Bình Nhưỡng. Ông ta không hề quan tâm đến hậu quả của cuộc chiến với Triều Tiên.
Người ta kể ông Bolton là một người không cảm xúc qua một bài thuyết trình trong thời gian tham gia chính quyền ông Bush về hậu quả thảm khốc của một cuộc chiến như vậy. "Tôi không gây ra chiến tranh. Tôi thực hiện chính sách" - ông ta đã nói vào thời điểm đó.
Hiện nay, ông Bolton đã thành công trong việc đẩy nước Mỹ đến một kết cục ông ta mong muốn với Iran - nếu điều khiển được Lầu Năm Góc điều động 120.000 quân để đối đầu với Iran.
Có những dấu hiệu đáng hy vọng rằng chúng ta có thể tránh được chiến tranh khi giới chức Mỹ và 4 đồng minh châu Âu lên tiếng báo động về chuyện chính quyền ông Trump xuyên tạc thông tin tình báo về Iran.
Thế nhưng, ông Bolton đang hành động vội vã, có vẻ như vì nhận thức được rằng thời gian Tổng thống Trump tại vị có thể chẳng còn bao lâu nữa.
Vì thế, vấn đề lúc này là liệu Tổng thống Mỹ có trung thành với khuynh hướng tránh xung đột quân sự hay không, hoặc nghe theo một người đẩy ông vào góc tường không có một lối thoát nào ngoài chiến tranh với Iran?
Bình luận (0)