Cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Bắc Kinh đã gần như xóa sổ xuất khẩu đậu nành của Mỹ sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc.
Giới chức Trung Quốc khẳng định sẽ mua thêm đậu nành Mỹ giữa lúc hai bên đang gấp rút đàm phán thương mại trong vòng đàm phán mới nhất tại Washington ngày 21 và 22-2.
Công nhân tại cảng Heihe của Trung Quốc đang dỡ các kiện hàng đậu nành nhập khẩu từ Nga. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, kết quả đàm phán vẫn còn chưa rõ, điều đó ít nhiều thể hiện trong sự biến động gần đây trong thị trường đậu nành giao trong tương lai của Mỹ. Trong khi đó, nông dân Nga đang lấp vào chỗ trống mà đậu nành Mỹ để lại ở Trung Quốc.
"Đậu nành ở đây từng rất khó tiêu thụ. Nay, tôi nhận được các cuộc gọi mỗi ngày từ Trung Quốc"- ông Viktor Silokhin, quản lý của trang trại Partizan – rộng 27 ngàn hecta tại vùng Amur của Nga, chia sẻ.
Ông Viktor Silokhin, quản lý của trang trại Partizan – rộng 27 ngàn hecta tại vùng Amur của Nga, tin tưởng xuất khẩu đậu nành sang Trung Quốc sẽ còn nở rộ. Ảnh: Wall Street Journal.
Tổng kim ngạch thương mại của Nga với Trung Quốc tăng hơn 27% lên tới 100 tỉ USD năm 2018, theo dữ liệu thương mại Trung Quốc. Hoạt động thương mại giữa hai nước chủ yếu liên quan tới dầu mỏ, khí đốt và kim loại. Tuy nhiên, xuất khẩu nông nghiệp Nga cũng gia tăng, đặc biệt là đậu nành – tăng hơn 10 lần trong 4 năm lên tới gần 1 triệu tấn.
Theo Wall Street Journal, sự tăng trưởng thương mại giữa hai nước được thúc đẩy từ những nỗ lực cá nhân của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin – người đã tìm cách xây dựng mối quan hệ đối tác nhằm thách thức Washington về mặt ngoại giao và kinh tế.
Các khoản đầu tư chủ yếu là tư nhân và xuất khẩu đậu nành kỷ lục từ vùng Viễn Đông của Nga, nơi có đường biên giới dài hơn 4.000 km với Trung Quốc, minh họa cho những nỗ lực của một số doanh nghiệp và trang trại vừa và nhỏ của Nga nhằm tận dụng những nỗ lực đó.
Công nhân xây cầu trên sông Amur giữa Nga và Trung Quốc. Giới chức trách kỳ vọng cây cầu sẽ thúc đẩy thương mại giữa hai bên. Ảnh: AP
Trong nhiều thập kỷ, phần lớn nền kinh tế của Nga hướng về phía châu Âu. Tuy nhiên, thương mại giữa Nga và châu Âu dần đi xuống kể từ năm 2012, đối lập với các hoạt động thương mại sôi động giữa Nga với Trung Quốc.
Theo lời ông Silokhin, trước đây ông phải đưa đậu nành thu hoạch xong vượt qua hơn 3.000 km mới tới nhà máy chế biến gần nhất ở Irkutsk, Nga. Nay, đã có 3 nhà máy dầu đậu nành mọc lên gần nhà hơn, ở vùng Amur để phục vụ cho nhu cầu của thị trường Trung Quốc.
"Có một khoảng trống được giải phóng ở Trung Quốc (do thuế quan Mỹ) và chúng tôi có thể vươn mình vào chỗ trống đó"- ông Oleg Turkov, người đứng đầu về nông nghiệp của vùng Amur nói. "Chúng tôi có thể bán tất cả những gì chúng tôi trồng, nhu cầu không giới hạn".
Giới chức Nga cho biết sự phát triển của vùng Viễn Đông đang mang lại những tiềm năng lớn. Ông Turkov khẳng định vùng Amur sẽ tăng gấp đôi sản lượng đậu nành hằng năm lên tới 2 triệu tấn trong những năm tới.
Bình luận (0)