Edmonton là thành phố lớn thứ 6, thủ phủ của tỉnh bang Alberta (Canada) tập trung khá nhiều người Việt đến sinh sống. Vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, ngoài những bữa tiệc đón mừng năm mới do cộng đồng hội người Việt tổ chức, những người Việt xa xứ thường tổ chức một mâm cơm tất niên cúng gia tiên và gặp gỡ người thân, bạn bè.
Mâm cơm cúng tất niên của một gia đình người Việt. Ảnh: Đ.Linh
Trần Thị Đan Linh (24 tuổi), một Việt kiều gốc Huế đang sống tại Edmonton cùng với gia đình của mình gồm 6 người, kể đây là năm thứ ba gia đình chị đón cái Tết cổ truyền ở xa xứ. Chị nói dù hiện nhiệt độ ở Edmonton khá lạnh, tuyết chưa tan nhưng cộng đồng người Việt vẫn sắp xếp thời gian đến các ngôi chợ bán hàng Việt để mua đồ ăn, hoa quả và những vật thờ cúng tổ tiên trong ngày Tết.
Những ngôi chợ như Hiệp Thành, Lucky, 99 Super Market ở Edmonton dịp Tết thường hay bán hàng dành cho người Việt. Hiệp Thành là ngôi chợ khá nhỏ nhưng thường cung cấp các nguyên vật liệu cho các nhà hàng nấu món ăn Việt.
Mua cau khô tại chợ Hiệp Thành. Ảnh: Đ.Linh
Vào dịp Tết, ngôi chợ này nhộn nhịp từ ngày 20 tháng Chạp. Người Việt đến mua hàng khá đông bởi đây có bán lá chuối, cau khô. "Cứ mỗi dịp Tết cổ truyền đến, người Việt lại xích lại gần nhau hơn bởi đi ra chợ là gặp khá nhiều đồng hương, ai cũng vui cười" – Linh nhận xét.
Cây mai giả để trưng ngày Tết. Ảnh: Đ.Linh
Vào dịp Tết, người Việt ra những ngôi chợ này để mua lá chuối mang về gói bánh, nhang đèn, trái cây, cau trầu và cả cây mai...giả để trưng ngày Tết. Việc mua sắm bắt đầu từ 24, 25 Tết. "Lá chuối và cau trầu được nhập từ các nước châu Á qua nên khá đắt. Trong khi cây mai giả giá tùy lớn, nhỏ; từ 80 -120 CAD (khoảng 1,4- 2 triệu đồng) và nhà nào cũng muốn mua cho mình một cây" – Linh tường thuật.
Một người Việt đến chợ Hiệp Thành mua lá chuối về gói bánh. Ảnh: Đ.Linh
Những mâm cơm tất niên được người Việt tại Edmonton tổ chức lai rai vào các ngày cuối tháng Chạp bởi phụ thuộc vào công việc của mỗi người. Tuy nhiên, bữa cơm này thường tổ chức vào buổi tối, có người thân, bạn bè cùng ăn uống, hát hò và ôn lại những kỷ niệm về quê hương. Vào đêm 30 Tết, những gia đình người Huế còn nấu xôi, chè để cúng giao thừa, tiễn biệt năm cũ và đón năm mới.
Chuẩn bị bữa cơm cúng tất niên. Ảnh: Đ.Linh
"Sang mùng 1 Tết, chúng tôi thường lên chùa Phật Quang và chùa Trúc Lâm để cầu nguyện cho năm mới bình an, tốt lành. Sau đó, trở về nhà để cùng người thân dự tiệc năm mới. Khi đó, người lớn lì xì cho trẻ con để mừng tuổi. Bước sang ngày mùng 2 Tết thì công việc trở lại bình thường" – Linh kể.
Linh nói rằng cứ mỗi dịp Tết về những người Việt ở đây dù không được ăn tết tại quê nhà nhưng họ vẫn cảm nhận được hương vị Tết Việtqua việc được sum vầy bên người thân ở nơi xa xứ. Và thấy được sự đùm bọc, gần gũi của đồng bào Việt nơi đất khách quê người.
Bình luận (0)