Trong những năm qua, với nhiều hoạt động thiết thực hướng về quê hương, kiều bào khắp nơi trên thế giới đã đóng góp sức lực vào sự phát triển của đất nước.
Thể hiện yêu thương, gắn bó quê hương
Hiện nay, có 4 giáo sư người Việt Nam ở nước ngoài tham gia tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, hơn 2.000 kiều bào đầu tư về Việt Nam với tổng số vốn gần 3 tỉ USD. Kiều hối chuyển về nước trong năm 2017 đạt khoảng 13,8 tỉ USD (tăng 16% so với năm 2016 và là mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây), vượt qua mọi dự báo, thể hiện niềm tin của kiều bào vào môi trường kinh doanh, đầu tư trong nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và bà con kiều bào tại lễ dâng hương ở Điện Kính Thiên, trong chương trình Xuân quê hương 2018 Ảnh: Huy Thanh
Kiều bào cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, giúp đỡ đồng bào trong nước bị ảnh hưởng bởi thiên tai cũng như tham gia nhiều hoạt động tình nguyện tại Việt Nam.
Những dự án công nghệ của anh Đinh Việt Tùng, Việt kiều tại Pháp, là minh chứng cho xu hướng hình thành lực lượng trí thức nhà khoa học trẻ mong muốn được cống hiến tri thức hiện đại tiên tiến của thế giới cho Tổ quốc. Hay chuyện anh Sơn Vũ, Việt kiều Mỹ, chủ của công ty có giá trị gần 260 triệu USD, là công ty sử dụng phần lớn kỹ sư người Việt. Với những thành công của mình, anh Sơn Vũ mong muốn được giúp đỡ những thanh niên trẻ người Việt khởi nghiệp.
Ông Vũ Hồng Nam - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - nhấn mạnh sự tham gia sôi nổi của cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã đóng góp rất nhiều vào đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam. Có nhiều hội thảo, hội nghị liên quan đến vấn đề cấp thiết, chiến lược lớn của nhà nước, thu hút nguồn lực các nhà kinh tế đóng góp cho phát triển kinh tế Việt Nam. Hội nghị thường niên các nhà khoa học của GS Trần Thanh Vân "Gặp gỡ Việt Nam" mang lại tri thức, đồng thời tạo sức lan tỏa để đội ngũ trí thức tham gia.
Năm 2017, nhiều bạn trẻ sinh ra ở các nước tốt nghiệp đại học, có kinh nghiệm đã về nước để làm việc. Đó là điểm mới của thế hệ trẻ, thể hiện sự yêu thương, gắn bó với quê hương. Khi đất nước gặp thiên tai thì tình nghĩa đồng bào, sự tương thân tương ái được thể hiện rất rõ. Kiều bào ở các nơi tổ chức quyên góp, gửi tiền về để xây trường học, hỗ trợ xây dựng nhà cửa.
Chữ "nhẫn" phải là đầu tiên
Bà Nguyễn Thị Mai, Việt kiều sống tại Bratislava - thủ đô Slovakia, tâm sự: "Tôi sống ở Slovakia đã gần 30 năm nay. Những năm gần đây, tôi thường xuyên về Việt Nam, vừa để đầu tư kinh doanh tại quê hương vừa để gần gũi người thân, gia đình. Lần nào về tôi cũng thấy đất nước phát triển nhanh chóng".
Bà Mai cùng một số người bạn ở Slovakia đã cùng góp vốn đầu tư lĩnh vực bất động sản tại Hà Nội, Bắc Giang và sắp tới là khu vực phía Nam. Bà Mai cho rằng chính sách thu hút kiều bào đầu tư về Việt Nam đã cởi mở hơn nhiều so với trước đây. Chính vì vậy, Việt kiều từ các nước trên thế giới đã tăng cường tìm hiểu những chính sách, các lĩnh vực kinh doanh tiềm năng của Việt Nam. Nhiều Việt kiều đã trở về thăm quê hương để tận mắt nhìn thấy chuyển biến của một Việt Nam phát triển năng động, tích cực và mong muốn được chung sức đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; chung tay khơi dậy niềm tự hào dân tộc.
Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), nói là Việt kiều đầu tiên về nước mở đường bay, xây dựng trung tâm thương mại… hiện ông ngày càng gặp rất nhiều Việt kiều tâm huyết với sự phát triển của quê hương. Có bác sĩ mới 29 tuổi đã xin phép ba mẹ về Việt Nam nghiên cứu và triển khai những biện pháp đổi mới trong y tế, làm sao cho người dân đi khám, chữa bệnh không phải chờ đợi lâu, không phải nằm ghép… Phải bằng công nghệ thông tin để quản lý hiệu quả hơn.
"Nhiệt huyết của kiều bào ta ở nước ngoài là rất rõ ràng. 4,5 triệu Việt kiều cũng là những "đại sứ" của Việt Nam ở nước ngoài. Đã có những người gốc Việt tham gia chính quyền của nước sở tại. Việt Nam đang phát triển và sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới. Tôi chắc chắn điều đó sẽ xảy ra" - ông Johnathan Hạnh Nguyễn khẳng định.
"Nếu không yêu nước thì chỉ về đây kiếm tiền rồi đi nhưng nếu yêu nước thực sự thì sẽ ở lại đây đóng góp bằng cách làm việc theo pháp luật, đóng thuế đầy đủ. Những năm đầu chúng tôi cũng khó khăn lắm, nhưng chúng tôi đã kiên trì. Mới đầu có thua lỗ nhưng nhà nước thấy được công sức của mình, sự kiên nhẫn của mình và sau này tạo điều kiện cho những công việc khác để bù lỗ lại và sau đó đã có thành công. Muốn thành công ở Việt Nam, chữ "nhẫn" phải là đầu tiên" - doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn tâm sự.
Thông suốt từ trên xuống dưới
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam chia sẻ: Để phát huy sức mạnh của kiều bào, điều quan trọng là duy trì việc thực hiện chính sách thông suốt từ trên xuống dưới. Trước đây thực hiện chính sách thông thoáng cởi mở nhưng khi triển khai, do nhận thức của các cơ quan cấp dưới chưa đầy đủ nên thực hiện còn chậm.
"Bây giờ thông suốt từ trên xuống dưới, chính sách ở trên đã có và ở dưới thực hiện. Khi có vấn đề gì thì các địa phương xử lý theo tinh thần hợp tác và theo hướng gỡ khó khăn cho bà con. Như lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã mở đường dây nóng cho nhà đầu tư kiều bào có thể gọi điện phản ánh bất cứ lúc nào. Bà con kiều bào đánh giá cao vì khi có khó khăn gì có thể lên gặp lãnh đạo tỉnh trực tiếp giải quyết. Đó là điều mừng và tôi mong rằng chúng ta giữ được nền nếp đó" - ông Nam nói.
Ông Nam cũng cho biết hiện số người về nước thăm quê hương tính sơ bộ cũng trên 90%, còn 10% ở vùng xa khó khăn hoặc vì hoàn cảnh nào đó nên chưa về được, hy vọng thời gian tới bà con sẽ về nước nhiều hơn.
Nguồn lực trí thức kiều bào chín muồi
Ông Vũ Hồng Nam tự hào cho biết: "Vị thế đất nước đang lên chính là niềm tự hào cho những người Việt Nam. Niềm tự hào cho người gốc Việt Nam tạo nên tác động lan tỏa đến cộng đồng của mình, lan tỏa việc giữ gìn văn hóa, dạy con em giữ nguồn gốc quê hương.
Với niềm tự hào và niềm tin vào tương lai tươi sáng ấy, cộng đồng người Việt phát triển rất mạnh. Đóng góp của kiều bào không chỉ trên phương diện kinh tế mà còn trên phương diện chất xám. Các nguồn lực trí thức kiều bào đang ở giai đoạn chín muồi. Các học sinh, con em sinh ra ở nước ngoài bây giờ đã trưởng thành và ở độ tuổi chín ở cả trí thức lẫn kinh nghiệm.
Trong 2017, một loạt sự kiện do kiều bào tổ chức để phục vụ cho nhu cầu phát triển của đất nước như kinh tế số, khởi nghiệp, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp kiều bào... Bây giờ, chúng ta đã có cơ sở dữ liệu về kiều bào để khi cần có thể huy động nguồn lực rất nhanh".
Ý KIẾN
Ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao:
Kiều bào vui là mình vui
Tuần qua, chương trình Xuân quê hương 2018 "Việt Nam rạng ngời tương lai" kết thúc tốt đẹp với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu kiều bào đến từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, cao hơn so với dự kiến ban đầu của ban tổ chức. Bà con phấn khởi cho rằng năm nay chương trình có nhiều điểm mới, lãnh đạo các cấp tiếp bà con bằng tấm lòng chân tình cởi mở, được thưởng thức các món ăn của ba miền và những nét đẹp văn hóa truyền thống như hát xẩm, thư pháp... Bà con kiều bào vui là mình cũng vui rồi.
Ông Nguyễn Hải Anh, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam ở TP Odessa (Ukraine):
Việt kiều nào cũng muốn về quê
Nhiều năm qua, sự kiện Xuân Quê hương đã được nỗ lực thực hiện như một lời tri ân dành cho cộng đồng hơn 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài mỗi dịp Tết đến, Xuân về; với những đóng góp xây dựng quê hương, đất nước của bà con kiều bào - một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Việt kiều nào cũng mong muốn được trở về quê hương vào dịp Tết nguyên đán. Chương trình Xuân Quê hương là sự động viên, khích lệ của Đảng, nhà nước đối với kiều bào, là dịp gắn kết tình cảm quê hương với những người con xa xứ luôn đau đáu với quê nhà.
Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn:
Tự hào vì có phần đóng góp
Sự phát triển hiện nay của đất nước chính là "đổi mới của đổi mới". Công cuộc đổi mới của đất nước ta đã qua 30 năm và trong 2 năm trở lại đây, Bộ Chính trị đã ra những nghị quyết bứt phá, Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra những điều kiện rất cởi mở cho các doanh nghiệp. Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới hơn 10 năm, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, thiết lập quan hệ đối tác, đối tác chiến lược với nhiều quốc gia trên thế giới… Từ đó, đưa đến sự phát triển của đất nước. Các chỉ số phát triển năm 2017 vượt kế hoạch đề ra làm người dân thêm vững tin vào sự phát triển tiếp theo của đất nước. Kiều bào tự hào vì có một phần đóng góp trong đó.
Bình luận (0)