xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nguy cơ xung đột Mỹ - Trung ở biển Đông

HOÀNG PHƯƠNG

Một cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc là điều khó xảy ra nhưng vẫn còn đó nguy cơ tính toán sai lầm

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ không ngừng leo thang khi cả hai nước đều tăng cường hoạt động quân sự tại biển Đông.

Một số nhà phân tích cảnh báo nguy cơ xung đột quân sự đang tăng khi không bên nào cho thấy dấu hiệu chùn bước. Trong cuộc đấu khẩu mới nhất, Mỹ đã phản ứng mạnh mẽ sau khi Trung Quốc bắn 2 tên lửa đạn đạo DF-26B và DF-21D (được xem là "sát thủ tàu sân bay") ra biển Đông hôm 26-8 trong lúc tiến hành tập trận vào tuần rồi.

Theo Lầu Năm Góc, các hành động của Trung Quốc, bao gồm thử tên lửa, càng khiến tình hình biển Đông thêm bất ổn. Một ngày sau vụ phóng, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin của Mỹ tuần tra gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép).

Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 28-8 chỉ trích Washington trở thành bên phá hoại và gây rối đối với hòa bình và ổn định ở biển Đông. Cùng ngày, Trung Quốc thông báo tiến hành cuộc tập trận kéo dài một tuần ở biển Bột Hải. Một cuộc tập trận khác của Bắc Kinh diễn ra ở Hoàng Hải từ ngày 29-8 đến 3-9. Theo trang Yahoo News, những cuộc tập trận khoa trương sức mạnh quân sự như thế là chiêu thức quen thuộc của Trung Quốc và từng được sử dụng hồi tháng 6 khi tranh chấp biên giới với Ấn Độ leo thang.

Ông Derek Grossman, chuyên gia của Tổ chức Rand Corporation (Mỹ), nhận định nếu tình hình biển Đông tiếp tục đi theo quỹ đạo hiện tại, nguy cơ xung đột quân sự sẽ gia tăng. "Quân đội Mỹ ít khả năng lùi bước vì toàn bộ chính phủ nước này đang cạnh tranh và đối phó với Trung Quốc ở cả khu vực và toàn cầu" - ông Grossman nói với báo South China Morning Post.

Ông Grossman nói thêm một cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc là điều khó xảy ra nhưng vẫn còn đó nguy cơ tính toán sai lầm. "Nếu Trung Quốc bắn một tên lửa DF-21D khác và nó đến gần một tàu sân bay Mỹ đi ngang qua khu vực, quân đội Mỹ có thể đáp trả bằng vũ lực vì cho rằng tên lửa Trung Quốc tấn công trượt mục tiêu. Tình hình có thể leo thang sau đó" - ông Grossman nhận định.

Nguy cơ xung đột Mỹ - Trung ở biển Đông - Ảnh 1.

Tàu USS Mustin của Mỹ trong một cuộc tập trận ở biển Đông hôm 28-8 Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Ông Chen Gang, chuyên gia tại Viện Đông Á thuộc Trường ĐH Quốc gia Singapore, đánh giá việc Trung Quốc phóng tên lửa ra biển Đông sẽ chỉ thúc đẩy Mỹ phát triển và triển khai thêm nhiều tên lửa tương tự.

Không dừng lại ở đó, Mỹ còn có thể gia tăng trừng phạt các công ty Trung Quốc bị cáo buộc tiếp tay cho hoạt động xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo phi pháp trên biển Đông. Trước mắt, Washington vào tuần rồi lần đầu tiên tung đòn trừng phạt Bắc Kinh vì vấn đề biển Đông sau khi đưa một số cá nhân và 24 công ty vào danh sách đen. Cái tên nổi bật trong số này là Công ty Xây dựng truyền thông Trung Quốc (CCCC).

Theo tờ South China Morning Post, hoạt động nạo vét của CCCC có thể không chịu nhiều tác động tiêu cực từ động thái trừng phạt của Washington. Tuy nhiên, hoạt động và uy tín của các công ty con của CCCC tại nước ngoài có thể bị tổn hại. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào các công ty con của CCCC ở nước ngoài, như Công ty Kỹ thuật hàng hải Friede & Goldman (trụ sở tại bang Texas - Mỹ), có thể giao dịch với công ty mẹ trong thời gian tới.

Ngoài Friede & Goldman, một công ty con của CCCC tại Úc là John Holland cũng đối mặt tác động tiêu cực từ lệnh trừng phạt của Mỹ. Là một trong những công ty kỹ thuật và xây dựng hàng đầu nước Úc, John Holland có thể khó trúng thầu các dự án trong nước do mối quan hệ với CCCC. Theo các chuyên gia, tình hình còn thêm rắc rối khi chính phủ Liên bang Úc đang tăng cường xen vào quan hệ kinh tế giữa các chính quyền địa phương với doanh nghiệp Trung Quốc.

Không ít chính phủ, doanh nghiệp ở châu Á có làm ăn với CCCC và các công ty con của CCCC sẽ phải tìm hiểu tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ. Theo báo South China Morning Post, CCCC đang hiện diện mạnh mẽ tại nhiều nền kinh tế châu Á - một phần do các nước này tham gia sáng kiến hạ tầng Vành đai và Con đường trị giá nhiều tỉ USD của Trung Quốc. Theo Công ty Tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ), CCCC hiện liên quan đến 923 dự án ở 157 quốc gia. 

Ấn Độ chọc giận Trung Quốc

Hải quân Ấn Độ đã triển khai một trong những tàu chiến ở tiền tuyến của mình đến biển Đông bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Theo hãng tin ANI hôm 30-8, động thái trên diễn ra sau khi lực lượng Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ ở thung lũng Galwan thuộc khu vực Ladakh hồi giữa tháng 6. "Ngay sau cuộc đụng độ ở Galwan khiến 20 binh sĩ của chúng tôi thiệt mạng, Hải quân Ấn Độ đã triển khai một trong những tàu chiến tiền tuyến đến biển Đông, nơi Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) phản đối sự hiện diện của bất kỳ lực lượng nào" - ANI dẫn nguồn tin chính quyền New Delhi cho biết.

Một ngày sau khi thông tin trên được tiết lộ, quân đội Ấn Độ cho biết đã phá vỡ âm mưu của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng gần hồ Pangong Tso ở Ladakh vào đêm 29-8. Theo Reuters, đây là nơi binh sĩ hai nước đối đầu kể từ tháng 4-2020. Nguồn tin chính phủ và quân đội Ấn Độ cho biết không có đụng độ xảy ra trong cuộc khủng hoảng mới nhất nói trên.

Phạm Nghĩa

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo