"Chúng tôi tiếp tục ủng hộ Ấn Độ và Pakistan đối thoại trực tiếp về Kashmir và những vấn đề liên quan" - người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, đồng thời cho biết Washington "đang theo dõi sát sao tình hình" theo sau quyết định "có thể làm gia tăng bất ổn khu vực" của New Delhi.
Trong một tuyên bố chung cùng ngày, Thượng nghị sĩ Mỹ Robert Menendez và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot L.Engel kêu gọi Pakistan kiềm chế, không thực hiện những hành động "đáp trả thù địch" nhằm vào Ấn Độ.
Binh sĩ Ấn Độ tuần tra một tuyến đường ở Kashmir hôm 7-8, sau khi chính phủ của họ hủy bỏ cơ chế tự trị của vùng lãnh thổ tranh chấp nàyẢnh: REUTERS
Quan hệ New Delhi - Islamabad leo thang căng thẳng sau khi chính phủ Ấn Độ thông qua dự luật hủy bỏ cơ chế tự trị của Kashmir và tách khu vực tranh chấp này thành 2 "lãnh thổ liên bang" được đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của New Delhi. Theo India Today, trước khi thông qua dự luật trên vào ngày 5-8, Ấn Độ đã triển khai thêm 38.000 binh sĩ đến Kashmir.
Trong loạt động thái phản ứng gay gắt với điều mà họ mô tả là hành động "đơn phương và bất hợp pháp", Pakistan - quốc gia cũng tuyên bố chủ quyền với toàn bộ Kashmir - đã cắt đứt thương mại song phương và hạ mức quan hệ ngoại giao với New Delhi; trục xuất Đại sứ Ấn Độ ở Pakistan và dọa nêu vấn đề lên Liên Hiệp Quốc.
Pakistan đã đóng 3 trong tổng số 9 đường bay dành cho các hãng hàng không Ấn Độ. Theo đó, các chuyến bay của Hãng Hàng không quốc gia Ấn Độ Air India đi đến châu Âu, Mỹ, Trung Đông và các khu vực khác sẽ bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, theo Reuters, tính đến ngày 7-8, giới chức Ấn Độ đã bắt giữ ít nhất 300 người, trong đó có các chính trị gia, liên quan đến các cuộc biểu tình phản đối chính quyền Tổng thống Ấn Độ Narendra Modi ở Kashmir. Liên Hiệp Quốc trong một tuyên bố trên mạng xã hội Twitter mới đây đã bày tỏ "lo ngại sâu sắc" đối với tình hình ở Kashmir, đồng thời nhấn mạnh quyết định gây tranh cãi của New Delhi đã đưa tranh chấp Kashmir "lên một cấp độ căng thẳng mới".
Bình luận (0)