Ả Rập Saudi vừa tuyên bố đã có đủ tiền để xây tòa tháp Jeddah có chiều cao dự kiến đến 1 km. Một khi hoàn tất, tòa nhà này sẽ qua mặt tòa nhà cao nhất thế giới hiện nay - tháp Burj Khalifa ở Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất) “chỉ” cao 830 m.
Cuộc đua sôi động
Hiện tòa nhà tại phía Bắc TP Jeddah này đã được xây đến tầng 26 và dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Khi đó, tòa tháp sẽ có 200 tầng, với kinh phí xây dựng gần 1,2 tỉ USD. Với tổng diện tích xây dựng 465.000 m2, nơi này có đủ chỗ để chứa khách sạn 5 sao Four Seasons, khu căn hộ và văn phòng cao cấp cùng với một đài thiên văn cao nhất từ trước đến giờ.
Ông Mounib Hammoud - Giám đốc điều hành Công ty Kinh tế Jeddah, chủ sở hữu và nhà phát triển dự án Thành phố Kinh tế Jeddah - tự tin cho biết tòa tháp sẽ đúng tiến độ.
Công trình “khủng” nói trên xuất hiện vào thời điểm ngành công nghiệp xây dựng toàn cầu đang bùng nổ. Có ít nhất 27 dự án nhà chọc trời đang được lên kế hoạch tại TP New York - Mỹ, Nga, Trung Quốc, Dubai... Ngay cả Iraq cũng có tham vọng xây tòa tháp “The Bride” tại tỉnh Basra giàu dầu mỏ, với chiều cao dự tính 1,15 km (tính luôn cả cột ăng- ten cao khoảng 188 m trên nóc tòa nhà), tức vượt tháp Jeddah 150 m.
Dù vậy, đằng sau sự hoành tráng và hào nhoáng của những công trình “khủng” là một mối liên quan đáng lo ngại đến tình hình kinh tế, nếu chúng ta tin vào “chỉ số nhà chọc trời” do nhà phân tích Andrew Lawrence, làm việc tại Ngân hàng Đầu tư Dresdner Kleinwort Wasserstein (Anh), đưa ra hồi tháng 1-1999.
Giả thuyết kinh tế học này cho rằng các tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới được xây dựng vào thời điểm trước khi xảy ra suy sụp kinh tế. Nói cách khác, sự ra đời của một tòa nhà chọc trời cao kỷ lục có thể là chỉ dấu hàng đầu của thời kỳ kinh tế xuống dốc.
Nỗi lo từ Trung Quốc, Ấn Độ
“Một giai đoạn dễ vay tiền dẫn đến nền kinh tế mở rộng nhanh chóng và thị trường chứng khoán bùng nổ. Tín dụng cũng thúc đẩy sự gia tăng về chi tiêu vốn (dùng để mua tài sản cố định). Đây là lúc các tòa nhà cao nhất thế giới bắt đầu được xây dựng. Đầu tư vào nhà chọc trời lên đến đỉnh điểm khi chu kỳ tăng trưởng khép lại và nền kinh tế chuẩn bị rơi vào suy thoái” - chuyên gia JC O’Hara của Công ty Chứng khoán FBN Securities (Mỹ) giải thích thêm.
Tòa tháp Burj Khalifa chính là ví dụ gần đây nhất bởi quá trình xây dựng nó (2004-2010) trùng hợp với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Một trường hợp tiêu biểu khác là tháp đôi Petronas ở thủ đô Kuala Lumpur - Malayia được hoàn thành năm 1996, một năm trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính châu Á. Trước đó, tòa tháp Sears ở TP Chicago - Mỹ khánh thánh vào năm 1973, trùng với cuộc suy thoái của kinh tế phương Tây trong giai đoạn 1973-1975.
Nếu dựa vào chỉ số nhà chọc trời, các nhà đầu tư sẽ phải lo ngại trước cơn sốt xây dựng ở Trung Quốc và Ấn Độ bởi đó là dấu hiệu cho thấy vốn đã bị phân bổ sai. Theo thống kê, 65/124 tòa nhà chọc trời đang được xây dựng ở Trung Quốc dự kiến hoàn tất trong 6 năm tới. Trong khi đó, Ấn Độ định “sản xuất” 14 tòa nhà chọc trời trong 5 năm tới, trong đó có một công trình cao đến 718 m.
“Lời nguyền” Thượng Hải
Tòa tháp Thượng Hải ở Trung Quốc, cao 632 m và gồm 127 tầng, vào tuần rồi chính thức được công nhận là tòa nhà cao thứ 2 thế giới, chỉ thua tháp Burj Khalifa. Một sự trùng hợp đáng kinh ngạc, đó cũng là tuần lễ chứng kiến thị trường chứng khoán nước này đóng cửa sớm 2 lần do chỉ số CSI 300 giảm đến 7%, dẫn đến sự kích hoạt của cơ chế “ngắt mạch” tự động.
Nếu 2 sự kiện trên thật sự có liên quan, các nhà đầu tư càng có lý do lo ngại khi tòa nhà Trung tâm Tài chính Bình An, cao 600 m, dự kiến trở thành tòa nhà văn phòng cao nhất thế giới một khi được hoàn tất ở TP Thâm Quyến trong năm nay. Những gì xảy ra với kinh tế Trung Quốc quyết định liệu công trình này sẽ trở thành biểu tượng của thất bại hoặc thành công.
Bình luận (0)