Theo đó, tổng số thoái vốn năm 2016 tại Trung Quốc sẽ giảm 20% so với con số 674 tỉ USD của năm ngoái. Tuy nhiên, IIF cảnh báo cơn thoái vốn có thể tăng tốc trở lại một khi xuất hiện mối lo về sự phá giá “vô tổ chức” của đồng nhân dân tệ.
Việc thoái vốn ồ ạt khỏi Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới các thị trường mới nổi. “Một cú rớt giá mạnh của đồng nhân dân tệ sẽ làm tái bùng phát một đợt bán tống bán tháo các tài sản rủi ro trên thế giới cũng như kích hoạt cuộc tháo chạy của dòng vốn khỏi những thị trường mới nổi” - IIF nhận định. IIF cũng lo ngại việc đồng nhân dân tệ giảm giá sâu sẽ kích hoạt cuộc đua phá giá tại các thị trường mới nổi khác, nhất là ở những thị trường có quan hệ mật thiết với Trung Quốc.
Không dừng lại ở đó, hệ thống tài chính của Trung Quốc còn đối mặt nguy cơ ngày càng lớn từ hoạt động rửa tiền và tài trợ các nhóm khủng bố giữa lúc nước này hội nhập sâu hơn vào thị trường toàn cầu. Phát biểu tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Chuyên gia chống rửa tiền, Cục phó Cục Chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) Hách Kinh Hoa nhận định vấn đề trên giờ đây đã vượt ra ngoài lĩnh vực kinh tế, tài chính và ảnh hưởng tới ổn định xã hội, an ninh quốc gia.
Cũng tại cuộc họp, nhà nghiên cứu Đồng Văn Quân từ Trung tâm Phân tích và Giám sát chống rửa tiền của PBOC chỉ rõ các nghi phạm khủng bố đang “làm ăn” tại một số khu vực duyên hải như sông Dương Tử hay đồng bằng Châu Giang ở Trung Quốc. Chúng tận dụng hệ thống ngân hàng ngầm và các dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài để “làm sạch” những núi tiền khổng lồ.
Chiêu thức rửa tiền này cũng được sử dụng bởi các phần tử Hồi giáo vũ trang tại vùng Tân Cương, phía Tây Bắc Trung Quốc, vốn có khuynh hướng sử dụng các mạng lưới ngân hàng để chuyển những khoản tiền nhỏ. Ngoài ra, những phương thức thanh toán mới thông qua internet trở thành một kênh chuyển tiền tài trợ hoạt động khủng bố. Trước những mối đe dọa trên, ông Hách cho biết nhà chức trách Trung Quốc đang tăng cường giám sát hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Bình luận (0)