Nữ thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen, Ủy ban Quan hệ Đối ngoại thượng viện Mỹ, là người thay mặt các đồng nghiệp mời phiên dịch viên người Mỹ Marina Gross đến hỏi chuyện.
"Nếu tổng thống không chia sẻ thông tin với chúng tôi, thì phiên dịch viên là người duy nhất chúng tôi có thể tìm gặp" - thượng nghị sĩ bang New Hampshire trả lời phỏng vấn kênh ABC News hôm 18-7.
Bà cho biết bà đã hỏi một số viên chức Bộ Ngoại giao xem 2 nhà lãnh đạo đã nhất trí điều gì (nếu có) về Syria, nơi Nga là đồng minh của chế độ Assad, nhưng họ không biết. Theo bà, đó chính là lý do cần thiết phải hỏi chuyện phiên dịch viên.
Phe Dân chủ đưa ra thắc mắc khi Bộ Quốc phòng Nga hôm 17-7 ra thông báo đề cập những "thỏa thuận" đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ, mặc dù chưa rõ liệu họ có tổng kết những điều 2 nhà lãnh đạo thảo luận hay không.
Cụ thể: "Bộ Quốc phòng Liên bang Nga sẵn sàng thực hiện những thỏa thuận giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lĩnh vực an ninh quốc tế đã đạt được tại hội nghị ở Helsinki. Bộ Quốc phòng Nga sẵn sàng tăng cường tiếp xúc với các đồng nghiệp Mỹ ở Bộ Tổng Tham mưu và các kênh liên lạc khác để thảo luận việc kéo dài Hiệp định START, sự tương tác ở Syria và các vấn đề bảo đảm an ninh quân sự khác".
Bà Shaheen nhấn mạnh rằng nếu chính quyền của Tổng thống Trump sử dụng đặc quyền của ngành hành pháp, "chúng tôi cần phải tìm cách khác để nắm thông tin".
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker phát biểu với báo giới: "Tất cả chúng ta đều muốn biết chuyện gì đã xảy ra tại cuộc gặp đó".
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo hôm 18-7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert đã không thể xác nhận liệu Nhà Trắng có thể xác định cuộc đối thoại và thông tin từ cuộc gặp ở Helsinki có thuộc đặc quyền của ngành hành pháp hay không.
Dự kiến Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, nhân vật cùng đi với Tổng thống Trump đến Helsinki, sẽ bị các nghị sĩ Dân chủ thúc ép giải thích khi ông xuất hiện trong buổi điều trần trước Ủy ban Quan hệ Đối ngoại vào ngày 25-7 tới.
Tuy nhiên, ông Harry Obst, từng phiên dịch cho nhiều đời tổng thống Mỹ, từ Lyndon B. Johnson đến Bill Clinton, đội ngũ phiên dịch viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, giống như Gross, là công chức đã thề sẽ không tiết lộ bất cứ thông tin mật nào.
Thêm vào đó, các phiên dịch viên cho tổng thống Mỹ được phép sử dụng thông tin tối mật và vì thế họ được pháp luật cho phép không tiết lộ thông tin mật hoặc tối mật.
Theo ông Obst, người phiên dịch viết bản ghi nhớ về cuộc đối thoại sau mỗi cuộc gặp vốn được cho là thuộc quyền sở hữu của tổng thống hoặc bất cứ ai tham gia vào cuộc gặp bí mật.
Bản ghi nhớ này không được công bố hoặc chia sẻ với các nghị sĩ mà không có sự cho phép của chủ sở hữu, trong trường hợp này là Tổng thống Trump.
Nó cũng trải qua quá trình giải mật sau 17 năm, giống như thông tin mật khác.
Ngoài ra, theo ông Obst, không một phiên dịch viên nào của Bộ Ngoại giao Mỹ từng điều trần tại quốc hội về nội dung các cuộc gặp.
Bình luận (0)