Hầu hết trong số họ, khoảng 70.000, là người Syria và người Iraq. Trại tị nạn hiện có hơn 11.000 phụ nữ và trẻ em, trong đó có 7.000 trẻ vị thành niên, hầu hết trong số đó đều dưới 12 tuổi. Hằng tuần đều có trẻ em ra đời ở đây.
Người ta chưa bao giờ có kế hoạch đưa nhiều người như vậy vào trại Al-Hol, nơi chỉ có sức chứa 30.000 người. Vào cuối năm 2018, mới có 10.000 người; số còn lại kéo đến đó khi các chiến binh thánh chiến rút lui ngay trước khi thành trì Baghouz cuối cùng của họ bị thất thủ. Điều kiện sống ở đây đã trở nên không thể chịu đựng được trong nắng nóng gay gắt mùa hè.
Hơn 11.000 phụ nữ và trẻ em trong trại Al-Hol đang rất cần sự giúp đỡ. Ảnh: REUTERS
Bệnh tật, suy dinh dưỡng, thương tích không được điều trị, sinh con - tất cả đều diễn ra trong các túp lều mà không có sự chăm sóc y tế... Cách đây vài tuần, mỗi người chỉ được cấp 3 lít nước mỗi ngày. Nay con số này đã tăng lên đến 10 lít trong khi các tiêu chuẩn vệ sinh đòi hỏi ở mức 50.
Tình trạng quá đông người và thiếu vệ sinh cũng góp phần lây lan bệnh tật. Đã có báo cáo về các trường hợp mắc bệnh Leishmania và sởi, cũng như một trường hợp viêm màng não. Điều này cực kỳ nguy hiểm bởi vì dịch bệnh có thể lây lan rất nhanh.
Tình trạng quá đông người và thiếu vệ sinh trong trại Al-Hol góp phần làm lây lan bệnh tật. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, các điều kiện an ninh đang xấu đi. Người trong trại đánh nhau bằng dao, ném đá và đe dọa xảy ra như cơm bữa. Căng thẳng trong trại rất nặng nề. Thậm chí khả năng bạo loạn cũng không thể loại trừ. Các nhà ngoại giao và đại diện các tổ chức nhân đạo đang lo ngại Al-Hol biến thành một thùng thuốc súng.
Đại diện cấp cao một tổ chức quốc tế nhận định tình hình ở đây là không thể tin được và chưa từng có. Vị này bày tỏ: "Chúng tôi đã lầm khi nghĩ rằng vấn đề này sẽ tự biến mất. Ở miền Đông Bắc Syria đã hình thành một cái gì đó giống như nhà tù Guantanamo. Chỉ có điều, ở Guantanamo không có quá 1.500 người, còn ở đây là gần 100.000".
Theo đó, nếu không giải quyết vấn đề này, thế giới sẽ phải đối mặt với một thế hệ chiến binh thánh chiến mới, tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" 3.0. Qua nhiều thập kỷ, mọi người đã có thể nhận thấy mỗi thế hệ phiến quân mới ngày càng trở nên cực đoan hơn.
Theo Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), các quốc gia có phản ứng khác nhau đối với tình hình trên. Nga cho hồi hương hàng loạt phụ nữ và trẻ em, cũng như Uzbekistan, Kazakhstan và Kosovo. Tuy nhiên, phương Tây từ chối làm điều này. Chẳng hạn Pháp có chính sách hồi hương trên cơ sở từng trường hợp cụ thể. Mới chỉ có 17 trẻ em được đưa về Pháp.
Bình luận (0)