Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 4 đã khai mạc ở TPHCM hôm 19-11 và kéo dài đến ngày 21-11.
Với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, hội thảo lần này do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia tổ chức, thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu, trong đó có khoảng 100 đại biểu quốc tế gồm học giả và quan chức chính phủ đến từ 27 nước và vùng lãnh thổ; gần 30 đại diện ngoại giao đoàn tại Việt Nam…Tổng cộng có 35 tham luận được trình bày tại 10 phiên thảo luận của hội thảo.
Giúp ích trong việc ra quyết sách
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao, nhận định năm qua đã chứng kiến những nỗ lực vượt bậc của các bên trực tiếp và không trực tiếp liên quan đến tranh chấp, góp phần vào việc ngăn ngừa xung đột, thúc đẩy hợp tác để biển Đông tiếp tục là khu vực hòa bình.
Ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao, phát biểu khai mạc hội thảo
Các học giả nghiên cứu về biển Đông cũng góp phần không nhỏ vào những nỗ lực chung nói trên thông qua việc công bố các kết quả nghiên cứu và phát biểu chính kiến của mình. Nhờ vậy, công luận đã hiểu rõ hơn bản chất của tranh chấp, căng thẳng trong lúc các nhà hoạch định chính sách tính toán kỹ hơn lợi ích của dân tộc trước khi họ ra các quyết định liên quan đến biển Đông.
Theo ông Quý, hội thảo lần này có 3 mục tiêu chính: trao đổi các kết quả nghiên cứu, thảo luận từ góc độ luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế về tầm quan trọng của biển Đông, về lợi ích của các bên liên quan, về những sự kiện xảy ra trên biển Đông trong thời gian gần đây; đề xuất những kiến nghị cho chính phủ các nước liên quan trực tiếp và không trực tiếp đến tranh chấp để tăng cường hợp tác, ngăn ngừa và kiểm soát xung đột, kiểm soát khủng hoảng ở biển Đông; đề xuất các kênh, các phương cách để những nghiên cứu và trao đổi học thuật tác động tích cực hơn đến công chúng, giúp ích nhiều hơn cho các nhà lãnh đạo trong những quyết sách của họ liên quan đến biển Đông.
Khuyến khích đối thoại
Trong ngày 19-11, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều nội dung như tầm quan trọng của biển Đông, những diễn biến gần đây ở biển Đông, chính trị nội bộ và chính sách đối ngoại ở biển Đông, giá trị chiến lược của hải phận các các tuyến đường giao thông trên biển…
Theo phó đô đốc (nghỉ hưu) Hideaki Kaneda, Giám đốc Viện Okazaki ở Nhật Bản, sự phát triển nhanh chóng của quân đội Trung Quốc và tham vọng muốn thành bá chủ trên biển của Bắc Kinh là 2 trong số “những yếu tố bất ổn đáng chú ý gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Các đại biểu trao đổi ý kiến trước khi hội thảo khai mạc
Trong khi đó, giáo sư Renato Cruz de Castro thuộc Khoa Nghiên cứu Quốc tế - Đại học De La Salle (Philippines) nhận định rằng việc chính quyền Barack Obama tái cân bằng lực lượng hải quân của Mỹ từ các khu vực khác của thế giới đến Đông Á “đánh dấu sự thay đổi từ chính sách kiềm chế Trung Quốc dựa trên cơ sở hình thành mặt trận ngoại giao với ASEAN sang một hình thái mới, dựa trên các đồng minh song phương của Mỹ và củng cố các lực lượng đã triển khai trước đó”.
Trao đổi với giới truyền thông bên lề hội thảo, Đại sứ Hasjim Dhalal, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Indonesia, cho biết ý tưởng chung của các cuộc hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông là thúc đẩy sự hiểu biết và xây dựng lòng tin giữa các bên liên quan đến tranh chấp.
Theo ông Dhalal, điều cần làm trong thời gian tới là tiếp tục thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), khuyến khích đối thoại giữa các bên liên quan, đồng thời hình thành những chương trình hợp tác thiết thực và khả thi ở biển Đông.
Truyền thông cần đưa tin có trách nhiệm
Ông Robert Beckman, Giám đốc Trung tâm Luật Quốc tế (CIL) - Đại học Quốc gia Singapore, bày tỏ lo ngại rằng truyền thông một vài nước liên quan đã có những bài viết kích động chủ nghĩa dân tộc khiến tình hình biển Đông thêm phức tạp. Vì thế, theo ông, giới truyền thông cần có trách nhiệm hơn trong việc đưa tin về vấn đề biển Đông để tránh gây thêm khó khăn cho quá trình thương thảo, đàm phán. |
Bình luận (0)