Lễ khởi công dự án đường sắt cao tốc từ TP Mumbai đến Ahmadabad trong tuần rồi khẳng định mối quan hệ ngày càng gần gũi giữa Ấn Độ và Nhật Bản giữa lúc hai nước nỗ lực khẳng định vị thế tại châu Á trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Cạnh tranh gay gắt
Sự kiện trên diễn ra nhân chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, qua đó nêu bật tầm quan trọng địa chiến lược. Theo báo South China Morning Post (Hồng Kông), New Delhi và Tokyo đều có tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ với Bắc Kinh lâu nay.
Hai nước cũng lo ngại việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng về kinh tế ở châu Á thông qua các dự án đầu tư nhằm nâng cấp hạ tầng và sự kết nối. Vì lẽ đó, dự án tàu cao tốc đầu tiên sử dụng công nghệ Nhật Bản tại Ấn Độ thể hiện sự cân bằng mà 2 nước này tin là cần thiết để kiềm chế Trung Quốc.
Đường sắt cao tốc là một trong những lĩnh vực đang chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong việc mở rộng ảnh hưởng tại khu vực. Trong một thập kỷ qua, Bắc Kinh đã xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc dài đến 22.000 km, vượt xa quy mô và tốc độ phát triển của Nhật Bản.
Trung Quốc còn khoe con tàu cao tốc nhanh nhất thế giới Shanghai Maglev với vận tốc lên đến 430 km/giờ. Với công nghệ có giá thành rẻ, các dự án tàu cao tốc Trung Quốc trở thành đề xuất hấp dẫn đối với các nước chú trọng đến vấn đề chi phí và có thu nhập trung bình ở châu Á.
Năm 2015, Trung Quốc qua mặt Nhật Bản để giành được dự án đường sắt cao tốc ở Indonesia. Bắc Kinh cũng đánh bại Tokyo để trở thành đối tác trong dự án đường sắt cao tốc đầu tiên của Thái Lan. Hai quốc gia này còn đang tranh nhau các dự án đường sắt cao tốc Singapore - Kuala Lumpur và Thái Lan - Malaysia.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi tham dự lễ khởi công dự án tuyến đường sắt cao tốc hôm 14-9 Ảnh: Kyodo
Bắc Kinh "không thoải mái"
Tuy nhiên, những căng thẳng gần đây giữa Ấn Độ và Trung Quốc - liên quan đến cuộc đối đầu tại cao nguyên Doklam và sự ủng hộ của Bắc Kinh dành cho kế hoạch hành lang kinh tế Pakistan - đã mang lại cơ hội địa chính trị cho Nhật Bản. Tokyo nhận thấy họ cần đồng minh để đối phó với thách thức từ Bắc Kinh và New Delhi là một ứng viên không thể nào tốt hơn tại khu vực.
Tuyến đường sắt cao tốc Mumbai - Ahmadabad có kinh phí 19 tỉ USD, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2023. Phía Nhật Bản sẽ cung cấp 85% chi phí dự án dưới dạng cho vay ưu đãi. Nếu dự án thành công, sự hợp tác này sẽ mở đường cho nhiều dự án đầu tư khác của Nhật Bản vào những hạ tầng quan trọng ở Ấn Độ, thúc đẩy sự tin tưởng và quan hệ giữa 2 nước.
Là một thị trường rộng lớn và nền kinh tế tăng trưởng, Ấn Độ đang cần những công nghệ tiên tiến cũng như vốn đầu tư mà Nhật Bản có thể và sẵn sàng đáp ứng. Điều này được thể hiện rõ trong tuyên bố được Thủ tướng Abe đưa ra trong chuyến thăm Ấn Độ kéo dài 2 ngày 13 và 14-9.
Cụ thể, nhà lãnh đạo Nhật Bản thông báo kế hoạch tăng cường đầu tư vào các dự án hạ tầng, như kết nối đường bộ và điện, ở các bang miền Đông Bắc Ấn Độ - khu vực được New Delhi xem là cửa ngõ đến Đông Nam Á. Phản ứng trước thông tin này, Trung Quốc cho biết họ phản đối sự can dự của bên thứ 3 ở khu vực nêu trên, lấy lý do biên giới với Ấn Độ tại đó "đang tranh chấp".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố: "Chúng tôi đang cố gắng giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại giữa hai bên. Trong hoàn cảnh hiện nay, các bên cần tôn trọng vấn đề này và sự tham gia của bất kỳ bên thứ 3 nào vào nỗ lực giải quyết tranh chấp giữa hai nước là không nên".
Các chuyên gia tại Ấn Độ cho rằng phản ứng của Trung Quốc không có gì khó hiểu bởi Bắc Kinh thấy không thoải mái khi chứng kiến New Delhi và Tokyo tăng cường hợp tác để đạt được những mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn ở khu vực.
Canh bạc của Thủ tướng Abe
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang cân nhắc tiến hành bầu cử sớm ngay trong tháng tới để tận dụng tỉ lệ ủng hộ đang tăng và sự rối loạn của Đảng Dân chủ đối lập. Giới truyền thông Nhật Bản ngày 17-9 phỏng đoán cuộc bầu cử sớm có thể diễn ra vào ngày 22-10. Những thời điểm tiềm tàng khác là ngày 29-10 hoặc sau chuyến thăm dự kiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào đầu tháng 11. Theo Reuters, tỉ lệ ủng hộ ông Abe đã giảm xuống dưới 30% trong một số cuộc thăm dò hồi tháng 7 trước khi tăng lên đôi chút sau cuộc cải tổ nội các đầu tháng 8 cùng nỗi lo về mối đe dọa từ Triều Tiên.
Nhật Bản chưa cần tổ chức tổng tuyển cử từ giờ đến cuối năm 2018. Theo giới quan sát, việc kêu gọi bầu cử sớm, nếu có, có thể giúp ông Abe tăng cường sức mạnh của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Dù vậy, bước đi này có thể dẫn tới chỉ trích rằng ông Abe đang tạo ra một khoảng trống chính trị giữa lúc tình hình khu vực căng thẳng. Ngoài ra, một quan chức cấp cao giấu tên của LDP nói với trang Bloomberg rằng việc tiến hành bầu cử sớm có thể là một canh bạc bởi liên minh cầm quyền (gồm LDP và Đảng Komeito) có nguy cơ không còn nắm hơn 2/3 số ghế tại hạ viện. Một kết quả như thế đe dọa cản trở ông Abe đạt được mục tiêu sửa đổi hiến pháp để làm rõ vai trò của quân đội.
Phương Võ
Bình luận (0)