Theo hãng tin Reuters, tỉ lệ sinh tại Nhật Bản năm 2019 đã giảm 5,8%, với khoảng 865.000 trẻ chào đời. Đây là số liệu hàng năm thấp chưa từng thấy do ngày càng nhiều người trì hoãn kết hôn.
Tại đất nước từ lâu đã tồn tại văn hóa mai mối, giới chức Nhật Bản đã quyết định chuyển sang sử dụng hệ thống ghép đôi bằng trí tuệ nhân tạo (AI) để kết nối các cặp đôi dựa trên tiêu chí về sở thích, độ tuổi và mức thu nhập.
Chính phủ của Thủ tướng Suga Yoshihide đã lên kế hoạch phân bổ 2 tỉ yen (tương đương 19 triệu USD) trong năm tài chính 2021 để hỗ trợ chính quyền địa phương thực hiện các chương trình giúp người dân tìm thấy một nửa của mình, qua đó cải thiện tình trạng tỉ lệ sinh thấp kỷ lục.
Nhật Bản tìm cách ngăn tỉ lệ sinh giảm bằng cách tăng cường tài trợ cho các hệ thống bà mối bằng trí tuệ nhân tạo phức tạp hơn. Ảnh: Reuters
Các dịch vụ mai mối do con người thực hiện thường sử dụng các biểu mẫu liệt kê sở thích và mối quan tâm của đối tượng muốn tìm kiếm một nửa của mình trong khi hệ thống AI có thể thực hiện phân tích nâng cao hơn về dữ liệu này.
Sáng kiến được đưa ra trong bối cảnh dân số Nhật Bản được dự báo sẽ giảm từ 128 triệu người trong năm 2017 xuống dưới 53 triệu người vào cuối thế kỷ này.
Khoảng 1/2 trong số 47 tỉnh ở Nhật Bản có kế hoạch triển khai hệ thống bà mối AI nhưng việc này có thể khá tốn kém. Tỉnh Saitama ở phía Bắc Tokyo đã chi 15 triệu yen (tương đương 144.000 USD) trong tài khóa tính đến tháng 3-2019 nhưng chỉ thu được kết quả là 21 cặp đôi đồng ý kết hôn. Dữ liệu chính phủ Nhật Bản cho thấy số lượng người kết hôn năm 2019 đã giảm 200.000 người so với năm 2000.
Tờ Yomiuri Shimbun đưa tin chính phủ Nhật Bản sẽ đảm bảo khoảng 60% chi phí trong khoản ngân sách 2 tỉ yen để khắc phục tỉ lệ sinh giảm trong tài khóa 2021 thông qua xây dựng các hệ thống AI phức tạp hơn.
Hồi năm 2019, tỉ lệ sinh của Nhật Bản, số con mà một phụ nữ sinh trong cuộc đời, là 1,36. Đó là một trong những số liệu thấp nhất thế giới và ở dưới ngưỡng cần thiết để duy trì dân số. Dân số già đi nhanh chóng đang là vấn đề đau đầu đối với các nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản khi nỗ lực đảm bảo việc lực lượng lao động suy giảm phải trả chi phí phúc lợi cho dân số già vốn đang tăng nhanh.
Bình luận (0)