Hiến chương sửa đổi tái khẳng định chính sách viện trợ nước ngoài của Nhật Bản không được sử dụng cho mục đích quân sự.
Tuy nhiên, tùy từng trường hợp cụ thể, Viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản có thể được dùng để hỗ trợ các lực lượng quân sự nước ngoài trong những chiến dịch phi chiến đấu như cứu trợ thảm họa, xây dựng cơ sở hạ tầng và các hoạt động của lực lượng bảo vệ bờ biển.
Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe thông qua điều lệ cho phép viện trợ phi quân sự ở nước ngoài. Ảnh: Reuters
Theo một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản, điều lệ này trước đó đã được mở rộng nhưng hôm 10-2 mới chính thức được chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe phê duyệt. Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại các thiết bị do Tokyo tài trợ sẽ được dùng cho mục đích quân sự.
Giáo sư Yoichi Ishii đến từ Trường ĐH Kanagawa nêu vấn đề: “Chính phủ viện trợ để cứu hộ sau thảm họa. Các thiết bị như xe tải, trực thăng được sử dụng cho các kế hoạch tương tự. Vấn đề là không có gì đảm bảo chúng sẽ không bị sử dụng sai mục đích. Chúng ta có thể mua đúng thiết bị nhưng để phân biệt dùng trong quân sự hay phi quân sự lại là ranh giới mỏng manh”.
Hiến chương viện trợ nước ngoài mới – được sửa đổi lần đầu tiên trong vòng 12 năm qua, cũng mở rộng sự hỗ trợ phi quân sự của Nhật Bản dành cho các quốc gia giàu có hơn. Việc thông qua điều lệ mới trùng với quyết định muốn mở rộng viện trợ nước ngoài của Trung Quốc, đặc biệt là cho các nước châu Phi giàu tài nguyên.
Ngoại trưởng Fumio Kishida tin rằng viện trợ là công cụ ngoại giao lớn nhất của Nhật Bản. Hiện Tokyo được xem là quốc gia có nguồn viện trợ phát triển chính thức lớn thứ tư thế giới, sau Mỹ, Anh và Đức.
Bình luận (0)