Bộ Quốc phòng Nhật Bản mới đây thông báo tên lửa trên sẽ là một thiết bị lượn siêu thanh (HVGP); có tốc độ bay nhanh gấp 5 lần vận tốc âm thanh. Với một loại vũ khí như vậy, Nhật Bản sẽ là quốc gia thứ tư trên thế giới được trang bị công nghệ lướt siêu thanh, sau Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Theo báo South China Morning Post (SCMP), công nghệ này cho phép tên lửa lướt ở vận tốc cao trên tầng cao khí quyển của Trái Đất – vốn là điểm yếu của các hệ thống phòng không. Bên cạnh đó, công nghệ này còn cho phép tên lửa di chuyển với quỹ đạo phức tạp, khiến việc ngăn chặn trở nên khó khăn hơn.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết thế hệ đầu của tên lửa mới sẽ tập trung vào các mục tiêu trên đất liền, trong khi phiên bản cải tiến của nó sẽ được nâng cấp tốc độ và tầm bắn để tấn công tàu thuyền lớn.
Tên lửa siêu thanh mới của Nhật Bản sẽ có thể bay nhanh gấp 5 lần vận tốc âm thanh. Ảnh: ATLA
Cơ quan Mua lại, Công nghệ và Hậu cần của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang phát triển động cơ phản lực để cung cấp năng lượng cho tên lửa siêu thanh nêu trên, với sự hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitshubishi (trụ sở Tokyo). Tuy nhiên, tầm bắn của tên lửa này sẽ bị giới hạn xuống còn khoảng 500 km hoặc thấp hơn để phù hợp với chính sách quốc phòng "định hướng phòng thủ" của Nhật Bản.
Cũng theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tên lửa siêu thanh mới sẽ được trang bị đầu đạn để có thể tiêu diệt tàu sân bay. Tên lửa được phát triển để bảo vệ "những hòn đảo xa xôi" ở Tây Nam, ám chỉ quần đảo Okinawa và các đảo nhỏ xung quanh, trong đó có quần đảo tranh chấp Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).
Quần đảo này nằm trên biển Hoa Đông, cách đảo chính của Okinawa khoảng 420 km và được tuyên bố chủ quyền bởi Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan.
DF-17, tên lửa siêu thanh của Trung Quốc, xuất hiện trong lễ duyệt binh hồi tháng 10-2019. Ảnh: AP
Vào năm 2012, chính phủ Nhật Bản mua lại 3 đảo trong chuỗi đảo nêu trên từ các chủ sở hữu tư nhân, nói rằng động thái này được thực hiện nhằm xoa dịu căng thẳng trong khu vực. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã nổi giận.
Kể từ đó, lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc thường xuyên tuần tra gần các đảo này trong khi hải quân của họ cũng tăng cường hoạt động trong khu vực, sử dụng eo biển Miyako làm cửa đến Tây Thái Bình Dương.
Bình luận (0)