Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố hôm 29-5 rằng Tokyo sẽ nới lỏng lệnh cấm vận nếu Bình Nhưỡng cam kết điều tra lại trường hợp 13 người Nhật bị bắt cóc hồi những năm 1970 và 1980 để đào tạo làm gián điệp.
Bước đột phá tiếp theo giữa hai nước là cuộc đàm phán tại Thụy Điển, đánh dấu sự xuất hiện của Bình Nhưỡng ra thế giới bên ngoài sau nhiều tháng bị cấm vận.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Seoul đánh giá cao mối quan hệ tốt đẹp Hàn – Nhật cũng như bày tỏ sự quan tâm đến vụ bắt cóc mà chính quyền Bình Nhưỡng thừa nhận cách đây hơn một thập kỷ. “Chính phủ Hàn Quốc, xuất phát từ quan điểm nhân đạo, luôn hiểu rõ lập trường của Nhật Bản trong vụ việc” – Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố.
Tuy nhiên, bộ này nhấn mạnh không nên để liên minh giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ trong vấn đề yêu cầu Triều Tiên chấm dứt các chương trình hạt nhân bị rạn nứt chỉ vì những vụ việc mang tính chất cá nhân. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo sát cuộc tham vấn Nhật – Triều trong bối cảnh này”.
Mặc dù vậy, hình thức nới lỏng lệnh trừng phạt của Tokyo đối với Bình Nhưỡng dường như không mang ý nghĩa quan trọng, liên quan đến việc hạn chế đi lại và cho phép tàu Triều Tiên cập cảng Nhật Bản để thực hiện các mục đích nhân đạo. Điều đáng nói là thỏa thuận được đưa ra trong lúc cộng đồng quốc tế đang đẩy mạnh cô lập kinh tế và ngoại giao đối với Triều Tiên.
Thêm vào đó, mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong nhiều năm qua đang ở mức thấp nhất do một loạt vấn đề tranh chấp song phương trong lịch sử hai nước.
Hồi tháng 3, Tổng thống Mỹ Barack Obama tìm cách hàn gắn mối quan hệ Hàn – Nhật bằng cách tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun –hye nhưng không làm tan băng được mối quan hệ.
Trong khi đó, Quốc hội Mỹ hôm 29-5 đã đưa ra dự luật nhằm trao quyền cho tổng thống đóng cửa đầu ra của hệ thống tài chính và ngân hàng Mỹ ở nước ngoài để tránh tạo điều kiện cho sự phát triển công nghệ buôn bán vũ khí cũng như nhập khẩu hàng hóa xa xỉ của chính phủ Triều Tiên.
Dự luật sẽ cần sự thông qua của Ủy ban Đối ngoại, Thượng viện và Tổng thống Mỹ, vì vậy triển vọng để trở thành luật là chưa chắc chắn. Tuy vậy, điều này phản ánh sự bất mãn của Quốc hội Mỹ trong chính sách hiện nay đối với Triều Tiên liên quan đến kế hoạch thử nghiệm tên lửa hạt nhân và tên lửa đạn đạo bất chấp lệnh trừng phạt quốc tế.
Bình luận (0)