Trong cuộc phỏng vấn độc quyền của đài CNN đăng tải ngày 15-9, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) là lãnh thổ của Nhật Bản, sẽ được Tokyo bảo vệ trước bất kỳ mối đe dọa nào từ phía Trung Quốc bằng số tàu ngang bằng hoặc hơn nếu cần thiết.
Ông Nobuo Kishi nói: "Trước hành động của Trung Quốc với quần đảo Senkaku và các khu vực khác ở biển Hoa Đông, chính phủ Nhật Bản đang thể hiện quyết tâm bảo vệ lãnh hải của mình với số lượng tàu tuần duyên nhiều hơn của Trung Quốc". Bộ trưởng khẳng định "không có tranh chấp lãnh thổ nào liên quan đến quần đảo Senkaku giữa Nhật Bản và các nước khác".
Nhật Bản đang mở rộng Lực lượng Phòng vệ của nước này, bổ sung máy bay chiến đấu F-35 tối tân và chuyển đổi tàu chiến thành tàu sân bay. Nước này cũng đang đóng các tàu khu trục, tàu ngầm và tên lửa mới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nobuo Kishi lưu ý ngân sách quốc phòng của Nhật Bản vẫn không sánh được chi tiêu quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi trả lời phỏng vấn của đài CNN. Ảnh: CNN
Senkaku/Điếu Ngư là quần đảo không người ở nằm cách Tokyo khoảng 1.900 km và Thượng Hải khoảng 600 km, hiện tại do Nhật Bản kiểm soát. Theo quan chức Nhật Bản, các tàu tuần duyên Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản tổng cộng 88 lần trong khoảng thời gian từ ngày 1-1 đến cuối tháng 8. Trong khoảng thời gian này, tàu Trung Quốc đi vào vùng biển tiếp giáp 851 lần.
Căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh chủ quyền đối với quần đảo này âm ỉ nhiều năm qua. Đỉnh điểm là vào năm 2012 khi Nhật Bản quốc hữu hóa Senkaku, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình phản đối ở Trung Quốc.
Trung Quốc nhiều lần bày tỏ quan điểm cứng rắn trong việc tuyên bố chủ quyền đối với Senkaku. Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào năm ngoái tuyên bố: "Đảo Điếu Ngư và các đảo liên kết của nó là một phần vốn có của lãnh thổ Trung Quốc. Chúng tôi có quyền thực hiện các hoạt động tuần tra và thực thi pháp luật trong vùng biển này".
Một tàu Trung Quốc di chuyển gần tàu cá Nhật Bản gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Reuters
Các chuyên gia cho rằng chiến lược của Trung Quốc là bố trí lực lượng ở những nơi trong và xung quanh các khu vực tranh chấp, đồng thời áp dụng luật pháp của nước này đối với khu vực đó.
Giáo sư Alessio Patalano, chuyên ngành chiến tranh và chiến lược tại trường King’s College ở London (Anh), cho biết: "Thực thi quyền của quốc gia ven biển là một bước quan trọng trong việc chứng minh chủ quyền. Trung Quốc có những hành động tiếp tục thách thức một phần lãnh thổ có chủ quyền của Nhật Bản".
Nhật Bản có một đồng minh quan trọng là Mỹ. Hai nước duy trì hiệp ước phòng thủ chung. Vào tháng 1-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cập cụ thể đến quần đảo Senkau/Điếu Ngư trong cam kết an ninh giữa hai nước.
Bình luận (0)