Văn phòng Nội các Nhật Bản hôm 18-5 cho biết GDP đất nước trong quý đầu năm nay đã giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này đã giảm 7,3% trong quý IV/2019. Sự suy giảm trong 2 quý liên tiếp đồng nghĩa kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái kỹ thuật. Lần gần đây nhất điều này xảy ra là hồi nửa cuối năm 2015.
Theo Reuters, hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản sụt giảm nghiêm trọng nhất kể từ thảm họa động đất, sóng thần tháng 3-2011, nay lại bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại trên thế giới và sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Takeshi Minami, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Norinchukin Research Institute, cho biết xuất khẩu từ Nhật Bản sang Trung Quốc bắt đầu giảm vào tháng 2 và xu hướng tương tự xảy ra sau đó với hàng xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ.
Nhân viên tại một trung tâm mua sắm mới mở cửa lại ở thủ đô Tokyo - Nhật Bản hôm 18-5 Ảnh: REUTERS
Giới phân tích cảnh báo kinh tế Nhật Bản trong quý II/2020 có thể u ám hơn bởi tiêu dùng trong nước sụt giảm do chính phủ hồi tháng 4 yêu cầu người dân ở nhà và doanh nghiệp đóng cửa để ngăn chặn dịch Covid-19. Một nỗi lo khác đối với các nhà hoạch định chính sách là thương mại Nhật Bản phụ thuộc vào cả Trung Quốc và Mỹ.
Theo Reuters, một số nhà phân tích, trong đó có nhà kinh tế học Yuichi Kodama tại Viện Nghiên cứu Meiji Yasuda (Nhật Bản), ước tính kinh tế nước này trong quý II/2020 có thể giảm đến 22% so với cùng kỳ năm ngoái - một con số cao kỷ lục.
Trong nỗ lực giúp nền kinh tế giảm bớt tổn thất, chính phủ Nhật Bản đã công bố gói kích thích 1.100 tỉ USD. Ngoài ra, Thủ tướng Shinzo Abe còn cam kết khoản ngân sách bổ sung thứ 2 trong tháng này để tài trợ các biện pháp chi tiêu mới.
Cú sốc Covid-19 cũng khiến Trung Quốc lao đao trong lĩnh vực phát triển và kinh tế - xã hội. Tại cuộc họp báo ở thủ đô Bắc Kinh hôm 18-5, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn thừa nhận nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang đối mặt những thách thức chưa từng có trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu lao dốc mạnh mẽ do ảnh hưởng đại dịch.
Theo Reuters, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ tăng trong tháng 4 do các công ty chạy đua sản xuất để bù đắp tổn thất. Dù vậy, ông Chung cảnh báo các công ty nước này đang trải qua thời điểm vô cùng khó khăn và trong thời gian tới có thể bị sụt giảm đơn hàng, gặp nhiều rủi ro đối với chuỗi cung ứng… Trước mắt, theo ông Chung, Bắc Kinh sẽ thúc đẩy nhu cầu và tiêu dùng nội địa.
Bình luận (0)