Nhật Bản hôm 7-5 đã có phản ứng đầu tiên trước động thái đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc tại thềm lục địa Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Kyodo, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho rằng “cần tránh hành động đơn phương” trên biển Đông. Ông Kishida nêu rõ: “Hành động này của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Điều này khiến Tokyo không thể không quan ngại. Các bên cần tránh những hành động đơn phương".
Tàu hải giám Trung Quốc phun vòi ròng vào tàu Việt Nam. Ảnh: AP
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore bày tỏ quan ngại về những diễn biến mới tại biển Đông, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và tránh làm leo thang căng thẳng tại vùng biển này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore nói thêm rằng nước này kêu gọi tất cả các bên tuân thủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trong lúc này, các chuyên gia quốc tế tiếp tục lên tiếng lo ngại về hành động ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông. Các chuyên gia Ernest Bower và Gregory Poling của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington - Mỹ nhận định việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển thuộc thềm lục địa Việt Nam ngay sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm châu Á cho thấy ý đồ của Bắc Kinh trong việc kiểm tra quyết tâm của Việt Nam, ASEAN và Washington.
Bắc Kinh có thể tìm cách "thay đổi đáng kể hiện trạng" ở biển Đông trong lúc nhận định rằng Washington có thể bị sao nhãng bởi những diễn biến ở Ukraine, Nigeria và Syria. Theo 2 chuyên gia này, hành động khiêu khích mới nhất của Trung Quốc ở biển Đông có thể gây ra những hậu quả lâu dài cho khu vực và thế giới.
Ông Ian Storey, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á ở Singapore, gọi hành động đưa giàn khoan của Trung Quốc vào vùng biển Việt Nam và cuộc đối đầu giữa tàu thuyền hai nước ở biển Đông là tình huống chưa từng có tiền lệ. Trong khi đó, ông Michael Green, phó chủ tịch phụ trách châu Á của CSIS cho rằng những hành động của Bắc Kinh cho thấy nước này không hề e dè những phản ứng tiêu cực trong khu vực.
Theo các nhà phân tích, có 2 nguyên nhân chính lý giải cho hành động gây hấn lần này cảu Trung Quốc. Thứ nhất là Bắc Kinh muốn độc chiếm trữ lượng dầu khí phong phú ở biển Đông. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ ước tính tại biển Đông chứa khoảng 11 tỉ thùng dầu và 190 tỉ m3 khí tự nhiên.
Thứ hai, quan trọng hơn, chính là vị thế chiến lược của biển Đông. Nơi đây tập trung các tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu thế giới với giá trị thương mại hàng ngàn tỉ USD, nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương. Các nhà nghiên cứu cho rằng Bắc Kinh muốn khống chế biển Đông để làm bàn đạp để vươn ra Thái Bình Dương.
Bình luận (0)