Cuộc tập trận CUES được Tokyo và Manila thông qua hồi tháng 1 vừa qua nhằm thắt chặt hợp tác an ninh. Dự kiến tổ chức vào ngày 12-5 tới, cuộc tập trận giúp 2 nước tăng cường an ninh hàng hải và xử lý nhanh chóng các sự cố ngoài ý muốn trên biển Đông.
Sự hiện diện của tàu hải quân Nhật Bản gần vùng biển tranh chấp với Trung Quốc thể hiện mối quan tâm ngày càng tăng của Tokyo trong khu vực, đặc biệt sau các hoạt động cải tạo đất trái phép của Bắc Kinh trên 7 rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Nguồn tin chính phủ Nhật Bản tiết lộ cuộc tập trận diễn ra gần bãi cạn Scarborough, nơi Trung Quốc và Philippines đang phân định chủ quyền. Trung Quốc ngang nhiên chiếm bãi cạn này hồi năm 2012 khiến Philippines phản đối kịch liệt và kiện lên Tòa trọng tài thường trực (PCA), trụ sở ở The Hague – Hà Lan.
Reuters dẫn lời phát ngôn viên Hải quân Philippines cho biết 1 tàu chiến của Nhật Bản và 1 tàu khu trục của hải quân Philippines sẽ có bài tập kéo dài 2 giờ gần Vịnh Subic, nơi Mỹ từng đặt căn cứ quân sự. Trong quá khứ, Tokyo cũng tiến hành các cuộc tập trận tương tự với Washington.
Trong một diễn biến khác, hôm 7-5, Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt gói hỗ trợ 130 triệu USD để giúp Singapore nâng cấp phi đội máy bay chiến đấu F-16.
Theo thông báo trên trang web của Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA), Không quân Cộng hòa Singapore (RSAF) sẽ trang bị mũ bảo hiểm phi công chiến đấu tiên tiến, bệ phóng tên lửa, vũ khí, hệ thống tiếp sóng, GPS, đào tạo nhân viên cũng như các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và hậu cần cho phi đội gồm 60 chiếc F-16 của mình, từ khoản kinh phí được Washington hỗ trợ.
Chương trình do hàng loạt nhà thầu quốc phòng Mỹ như Lockheed Martin, BAE Advanced Systems và Boeing Integrated Defence Systems triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng lên kế hoạch bán 17 chiếc máy bay vận tải quân sự V-22 Osprey, bộ phận và thiết bị liên quan (gồm 40 động cơ và 40 radar hồng ngoại) cũng như hỗ trợ hậu cần cho đồng minh Nhật Bản. Chi phí dự án này ước tính vào khoảng 3 tỉ USD.
Tokyo sau đó sẽ bàn giao số máy bay kể trên cho lực lượng phòng vệ SDF nhằm tăng cường an ninh quốc phòng, bảo vệ biên giới, nâng cao khả năng cứu trợ nhân đạo, thiên tai và hỗ trợ hoạt động đổ bộ.
Washington tuyên bố chương trình nâng cấp cũng góp phần đảm bảo an ninh quốc gia của Mỹ và không làm thay đổi cán cân quân sự trong khu vực.
Bình luận (0)