Lần đầu tiên kể từ chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản tháo dỡ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí hồi cuối năm 2011 và Ấn Độ trở thành nước đầu tiên trong danh sách được chào hàng.
Các loại vũ khí Nhật chào hàng cho Ấn bao gồm các thiết bị tác chiến điện tử, tàu tuần tiễu và các thiết bị công nghệ cao. Nhật cũng đề nghị thành lập các liên doanh về quốc phòng tại Ấn Độ, qua đó cung cấp công nghệ tinh vi cho lĩnh vực tư nhân và nhà nước. Các nguồn tin phía Ấn Độ cho biết những lời đề nghị trên được đưa ra thông qua các kênh chính thức.
Ngoài mua bán vũ khí, quan hệ Nhật - Ấn còn được tăng cường qua chuyến thăm của Tổng tư lệnh quân đội Ấn Độ Bikram Singh đến Tokyo vào tháng 10. Tiếp đó, hải quân hai nước sẽ hội đàm vào cuối tháng 11 để tiến hành cuộc tập trận chung chính thức đầu tiên.
Đầu năm nay, một số công ty chế tạo vũ khí của Nhật Bản lần đầu tiên tham gia cuộc triển lãm quân sự quốc tế Def-Expo tại New Delhi. Ấn Độ đang có kế hoạch mua vũ khí và thiết bị quốc phòng trị giá hơn 30 tỉ USD trong 5-7 năm tới.
Tàu Nhật phun vòi rồng vào tàu cá Đài Loan sáng 25-9. Ảnh: Kyodo
Trong khi đó, quan hệ Trung - Nhật vẫn căng thẳng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 25-9 tuyên bố các tàu công vụ của nước này sẽ tiếp tục đến vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để “bảo vệ quyền đánh bắt cá và cung cấp các dịch vụ cần thiết cho ngư dân Trung Quốc”.
Cuộc gặp gỡ bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc giữa hai ngoại trưởng Dương Khiết Trì và Koichiro Gemba tối 25-9 cũng không có bước tiến. Theo Reuters, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tiếp tục nhấn mạnh chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại cuộc họp. Đây là cuộc gặp cấp cao nhất giữa hai cường quốc châu Á kể từ khi Nhật mua một phần Senkaku.
Trong một diễn biến liên quan, ban tổ chức Hội chợ thương mại quốc tế Tây Trung Quốc tại Thành Đô (Tứ Xuyên) đã yêu cầu các công ty Nhật Bản rời hội chợ vào chiều 24-9. Trước đó, hơn 60 công ty Nhật Bản đã đến hội chợ lớn hàng đầu Trung Quốc này. Năm ngoái, hội chợ này thu về đến 189 tỉ USD và năm nay thu hút khoảng 4.500 công ty đến từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bình luận (0)