Đô đốc Joshi nhấn mạnh: "Hải quân Trung Quốc hiện đại hóa lực lượng thực sự rất ấn tượng song cũng là mối lo ngại lớn đối với chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá tình hình để có giải pháp và chiến lược của mình".
Theo ông Joshi, không phải là Ấn Độ mong muốn có mặt ở biển Đông “rất thường xuyên” song New Delhi có các lợi ích tại khu vực này như tự do hàng hải và thăm dò các nguồn tài nguyên.
"Nếu cần phải bảo vệ các lợi ích của Ấn Độ, chẳng hạn như Videsh (công ty khai thác dầu mỏ ngoài khơi của Tập đoàn Dầu mỏ và khí tự nhiên (ONGC), chúng tôi sẽ tới biển Đông và đã sẵn sàng cho việc này" - ông nói.
Đô đốc Joshi nói Ấn Độ đã sẵn sàng điều quân ra biển Đông. Ảnh: PTI
Ông Joshi tiết lộ hải quân Ấn Độ đã tiến hành nhiều cuộc diễn tập để ứng phó với những tình huống bất ngờ. Công ty Videsh thăm dò 3 lô dầu khí của Việt Nam trên biển Đông từ năm 2011, hiện đã có một lô bắt đầu sản xuất dầu, theo Đô đốc Joshi.
Trước nay, Hải quân Ấn Độ tự giới hạn phạm vi ảnh hưởng chủ yếu trên Ấn Độ Dương, từ vịnh Aden đến eo biển Malacca. Tuyên bố của ông Joshi có thể đánh dấu một bước chuyển trong chính sách, đặc biệt là nhắm vào Trung Quốc.
Tuy vậy, Ấn Độ không can thiệp vào các tranh chấp chủ quyền ở biển Đông mà chỉ theo dõi tình hình sát sao dựa trên quan điểm bảo vệ tự do hàng hải theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS).
Trước đây, vào tháng 3-2012, Trung Quốc từng lên tiếng cảnh báo Ấn Độ tránh xa biển Đông, nhất là không được thăm dò và khai thác dầu khí tại đây.
Trong khi đánh giá thấp tàu sân bay mới của Trung Quốc với lý do còn lâu nó mới vận hành chiến đấu được, Đô đốc Joshi cho biết Ấn Độ chú ý đến tên lửa đạn đạo “sát thủ tàu sân bay” của Bắc Kinh hơn. Tuy nhiên, ông Joshi cũng ám chỉ Ấn Độ sẽ phát triển được loại tên lửa này.
Hải quân Ấn Độ đã diễn tập ứng phó với các tình huống bất ngờ trên biển Đông. Ảnh: Reuters
Cùng ngày 3-12, Bộ Ngoại giao Singapore đã bày tỏ lo ngại về kế hoạch chặn và kiểm tra tàu thuyền trên biển Đông của Trung Quốc từ ngày 1-1-2013.
Trong một tuyên bố, chính phủ Singapore nhấn mạnh: "Chúng tôi hối thúc tất cả các bên có tranh chấp chủ quyền trên biển Đông không hành xử khiêu khích. Tất cả các bên phải tôn trọng những nguyên tắc luật quốc tế đã được chấp nhận và kiềm chế những hành động có thể làm leo thang căng thẳng”.
Singapore là quốc gia Đông Nam Á thứ hai lên tiếng về quy định trên sau khi Philippines chỉ trích kế hoạch của Trung Quốc là bất hợp pháp hôm 1-12.
Bình luận (0)