Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-la) lần thứ 15 tại Singapore, ông Nakatani nhấn mạnh Tokyo đã chứng kiến “hoạt động cải tạo đất nhanh chóng, quy mô lớn cũng như xây dựng tiền đồn và sử dụng cho mục đích quân sự ở biển Đông”.
“Không có quốc gia nào có thể đứng ngoài vấn đề này” – ông nói thêm.
Reuters nhận định ý kiến của Bộ trưởng Nakatani đang nhắm tới Trung Quốc về một loạt hành động khiêu khích của Bắc Kinh thời gian qua.
Để giúp Philippines và các quốc gia Đông Nam Á khác đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc, Nhật Bản đang hỗ trợ nâng cao khả năng giám sát, triển khai các cuộc tập trận chung và hợp tác phát triển thiết bị quân sự mới.
“Tôi nghĩ điều quan trọng là phải nâng cao năng lực của các nước trong khu vực bằng cách tập trận chung, hỗ trợ phát triển năng lực, thiết bị quốc phòng và hợp tác công nghệ” – ông Nakatani cho biết.
Hồi tháng 5, Nhật Bản công bố đợt viện trợ trực tiếp của quân đội ra nước ngoài bằng một thỏa thuận cho Philippines thuê 5 máy bay TC-90 King Air với mục đích tuần tra. Manila cũng yêu cầu sử dụng máy bay giám sát P3-C của Nhật Bản để theo dõi tàu ngầm Trung Quốc gần lãnh hải mình.
Ông Nakatani còn cáo buộc hành động chặn máy bay do thám Mỹ của chiến đấu cơ Trung Quốc gần đây là hành động “cực kỳ nguy hiểm”, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ của Nhật Bản về thách thức của Washington đối với tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông.
Thêm vào đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản kêu gọi tất cả các bên liên quan ở biển Đông tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague (Hà Lan), nơi Philippines đang kiện Trung Quốc về yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý.
ASEAN phải tự giải quyết
Cũng trong ngày 4-6, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein đề nghị các nước ASEAN liên quan tới tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông nên ngồi lại giải quyết những khác biệt thay vì chỉ phản đối Trung Quốc.
“Ngay cả trong ASEAN cũng có những tuyên bố kép về biển Đông. Chúng ta không thể chỉ đổ lỗi cho Trung Quốc hoặc Mỹ cho đến khi tất cả mọi thứ được sắp xếp một cách trật tự”- ông Hishammuddin nói tại cuộc họp báo bên lề Đối thoại Shangri-la 2016.
Trước đó, phiên họp toàn thể về "Quản trị Cạnh tranh quân sự ở châu Á", với 2 diễn giả là Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani và đại biểu Ấn Độ Manohar Parrikar, ông Hishammuddin đã kêu gọi ASEAN cần đoàn kết lại.
“Có người nói với tôi cách đây vài ngày rằng Mỹ và Trung Quốc thiết lập 109 kênh quan hệ trong khu vực nhưng không có kênh nào liên quan đến Malaysia. Vì vậy, cần đảm bảo bất cứ điều gì chúng ta làm, bất cứ điều gì được quyết định bởi các cường quốc cũng đừng bỏ chúng tôi trên bãi biển khi thủy triều xuống” – ông Hishammuddin nói.
Malaysia cho đến nay vẫn tìm cách làm dịu căng thẳng ở biển Đông nhằm bảo vệ mối quan hệ đang ấm dần lên với Trung Quốc. Thủ tướng Malaysia Najib Razak hồi tháng trước cũng kêu gọi các nước ASEAN đang tranh chấp ở biển Đông nên giải quyết vấn đề cùng nhau.
Bình luận (0)