Trong cuộc phỏng vấn bên lề Đối thoại Shangri-La 2016 tại Singapore tối 3-6, ông Brownlee nói nếu Trung Quốc không làm được như vậy thì tâm lý bất an của những nước có nền kinh tế phụ thuộc vào tuyến hàng hải trên biển Đông, kể cả những nước nhỏ hơn ở cách xa vùng biển trên, càng gia tăng.
“Đối với cả nền kinh tế thế giới, việc duy trì hòa bình khu vực và tự do lưu thông trên không, trên biển tại đây là điều cực kỳ qua trọng” – ông Brownlee quả quyết. 80% giá trị thương mại hàng năm của New Zealand đi qua biển Đông.
Theo hãng tin Bloomberg, hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc khiến các nước trong khu vực rất lo lắng. Ông Brownlee nói hành động của Trung Quốc đối nghịch với tuyên bố xây đảo vì mục đích dân sự, hòa bình do chính họ đưa ra. Ông cũng lo ngại Trung Quốc sẽ biến thêm nhiều rạn đá ngầm thành đảo, đưa cư dân ra đó sinh sống rồi tuyên bố vùng lãnh hải và thậm chí là vùng đặc quyền kinh tế quanh các đảo.
“Năm ngoái, phía Trung Quốc bảo với tôi rằng căng thẳng trên biển Đông không liên quan tới New Zealand. Nhưng chúng tôi lo ngại và phải nói rõ các lo ngại này ra. (…) Tốc độ xây đảo của Trung Quốc đã đặt ra tình thế hoàn toàn mới cho các luật về biển, lãnh thổ” – ông Brownlee nói và cho biết thêm New Zealand thường xuyên cho máy bay do thám giám sát biển Đông.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand, thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là bước đi cần thiết để duy trì ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á.
Trung Quốc có vẻ cảm nhận được sức ép khi sử dụng các cuộc gặp song phương bên lề Đối thoại Shangri-La 2016 để xoa dịu tình hình. Theo báo The Straits Times, ông Tôn Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, đã kêu gọi Úc có lập trường “công bằng và khách quan” về biển Đông khi gặp Tư lệnh Không quân Úc Mark Binskin.
“Trung Quốc duy trì một chính sách nhất quán và rõ ràng về vấn đề biển Đông. Chúng tôi mong phía Úc có lập trường công bằng và khách quan” – ông Tôn, trưởng đoàn của Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La năm nay, nói và không quên nhắc rằng hai nước có mối quan hệ hợp tác quốc phòng nhiều năm qua.
Cùng ngày, tại cuộc gặp bên lề với Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen, ông Tôn cũng bày tỏ mong muốn nước chủ nhà Singapore sẽ "định hướng hợp lý" tiến trình Đối thoại Shangri-La đang diễn ra để nó giúp ích cho vấn đề giải quyết xung đột, có lợi cho hòa bình và ổn định tại khu vực.
Bình luận (0)