Phát biểu tại sân bay Ninoy Aquino trước khi lên đường, ông nói: “Quan hệ giữa chúng tôi với nước khác không đơn thuần là chấp nhận sự trợ giúp từ họ. Chúng tôi sẵn sàng giúp giải quyết những thách thức mà khu vực phải ứng phó”.
Dinh tổng thống Philippines cho biết ngoài việc tìm kiếm thêm các khoản đầu tư, Tổng thống Aquino sẽ thảo luận với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe về vấn đề an ninh khu vực, trong đó có tình hình biển Đông và sự bành trướng quân sự của Trung Quốc.
Trang tin GMA News dẫn lời Đại sứ Philippines tại Nhật Bản Manuel Lopez cho biết Tổng thống Aquino sẽ chứng kiến lễ ký thỏa thuận Tokyo chuyển giao 10 tàu tuần tra mới cho Manila. Theo ông Lopez, số tàu này được sử dụng để giám sát bờ biển, ứng phó thiên tai và cứu hộ.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino đến sân bay quốc tế Haneda ở Tokyo - Nhật Bản
hôm 2-6. Ảnh: REUTERS
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 1-6 tiếp tục chỉ trích hoạt động cải tạo đất phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông, đồng thời cảnh báo nước này không nên cố gắng mở rộng chủ quyền bằng cách “đẩy người khác ra ngoài”. Ông Obama kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt mọi hành động khiêu khích vì chúng không có ích và đe dọa đến sự thịnh vượng của Đông Nam Á.
Cùng ngày, hãng tin Kyodo dẫn tuyên bố của Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, Phó Đô đốc Robert Thomas, rằng quân đội Mỹ sẽ nỗ lực ngăn chặn các vụ đụng độ bất ngờ, đồng thời tiếp tục tuần tra trên biển Đông.
Phát biểu trên chiến hạm USS Blue Ridge, ông Thomas khẳng định Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản có thể hoạt động ở bất cứ đâu trên thế giới, đồng thời bày tỏ hy vọng Nhật sẽ hợp tác với các nước như Philippines, Úc để tăng cường hiện diện ở khu vực.
Tạp chí Time dự báo các tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Mỹ có khả năng được điều đến biển Đông để thách thức động thái xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc.
Bình luận (0)