Triều Tiên tuyên bố vừa thực hiện thử nghiệm hạt nhân thành công lần thứ 3 hôm 12-2, trước khi kỉ niệm sinh nhật lần thứ 71 của cố chủ tịch Kim Jong Il vào ngày 16-2, khiến hàng loạt quốc gia lên án và sự cảnh báo cứng rắn từ phía Mỹ cho rằng đây là một hành động đe dọa và gây hấn.
“Tất cả đã sẵn sàng. Một cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ 4, thứ 5 và một cuộc phóng tên lửa sẽ sớm được tiến hành, nhiều khả năng là trong năm nay”, nguồn tin cho biết, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng thử nghiệm hạt nhân lần tiếp theo sẽ lớn hơn lần thứ 3 rất nhiều, có thể tương đương với 10 kiloton TNT.
Nguồn tin khẳng định các cuộc thử nghiệm đang trong quá trình thực hiện, trừ khi Washington tiến hành hội đàm với Triều Tiên và từ bỏ chính sách của mình. Cũng theo nguồn tin, Bình Nhưỡng cũng lặp lại mong muốn bấy lâu của mình rằng Washington sẽ ký hiệp ước hòa bình với họ và thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, theo nhận định của Tổng thống sắp mãn nhiệm của Hàn Quốc, Lee Myung-bak thì Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân và mối đe dọa này chỉ biến mất khi chế độ ở miền Bắc sụp đổ.
Tại Washington, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland thúc giục Triều Tiên “kiềm chế các hành động gây hấn vốn sẽ hủy hoại các giao ước quốc tế” theo các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm cấm các thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Triều Tiên “sẽ không đạt được thành tựu gì về y tế, dân sinh hay tương lại của người dân nếu cứ tiếp tục các hành động gây hấn đó. Chúng chỉ càng làm họ bị cô lập hơn”, bà Nuland nói với các phóng viên.
Hôm 15-2, Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết lên án vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên tỷ lệ 412 phiếu thuận và 2 phiếu chống. Các nghị sĩ Mỹ đã thực sự thừa nhận "mối đe dọa nghiêm trọng mà các chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể gây ra đối với an ninh của người dân Mỹ, căn cứ vào khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ của các loại vũ khí này".
Các quan chức Nhật tỏ ra cực kỳ lo ngại về khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân đến mức có thể gắn vào tên lửa tầm trung của Bình Nhưỡng. Theo các nhà phân tích Triều Tiên đã có tên lửa đạn đạo Rodong có tầm bắn khoảng 1.300 km và nếu thành công trong việc gắn đầu đạn hạt nhân vào loại tên lửa này, giới chức Nhật Bản lo ngại rằng nó có thể là mối đe dọa trọn lãnh thổ nước này. Và thời gian từ cuộc thử tên lửa đầu tiên của Bình Nhưỡng cho tới nay đã gần 7 năm, với sự tập trung nghiên cứu và thử nghiệm như vậy, việc Bình Nhưỡng thu nhỏ được đầu đạn tới mức Nhật cảm thấy bị đe dọa là điều không khó xảy ra.
Triều Tiên không sợ bị trừng phạt
Sau cuộc thử nghiệm hạt nhân vừa rồi của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết sẽ cùng với thế giới thực hiện những hành động “cứng rắn hơn” nhằm đối phó với những đe dọa từ Bình Nhưỡng, đồng thời giới chức Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng đã bắt đầu thảo luận về những biện pháp trừng phạt mới.
Liên minh Châu Âu (EU) hôm 15-2 cũng tuyên bố sẽ áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Triều Tiên, từ những biện pháp về tài chính đến việc cấm đi lại và phong tỏa tài sản nhằm vào một số cá nhân của Triều Tiên.
Các biện pháp trừng phạt cho tới lúc này hầu như chưa có tác dụng gì với tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
"Nó giống như chúng ta xem đi xem lại một bộ phim”, giáo sư Lee Woo-young thuộc khoa Nghiên cứu Triều Tiên của Đại học Seouk cho hay, “Tôi cho rằng có trừng phạt nặng hơn nữa, Triều Tiên cũng không có ý định từ bỏ chương trình hạt nhân của mình”.
Nguồn thạo tin có liên hệ với cả Bắc Kinh và Bình Nhưỡng này còn cho biết thêm rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ quyết định trừng phạt lần này của Liên Hiệp Quốc.
Bình luận (0)