Abe, người giữ được sự tín nhiệm cao kể từ khi ngồi vào chiếc ghế thủ tướng hồi tháng 12 năm ngoái, cũng cần cái gật đầu của ông Obama về phương cách phục hồi nền kinh tế Nhật với việc tăng chi tiêu công và nới lỏng chính sách tiền tệ. Chính sách kinh tế của Abe (Abenomics) đã kéo giảm khoảng 10% giá trị đồng yen so với đồng USD, làm tăng mối quan ngại quốc tế về cách mà Nhật Bản đối phó với suy thoái.
Nhưng kinh tế không phải là vấn đề cốt lõi. Mikitaka Masuyama, giáo sư ở Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia ở Tokyo, nhận định: “Tình hình ở Đông Á đang ngày càng trở nên bất ổn. Một trong những điều ông ấy muốn đạt được là củng cố liên minh Nhật - Mỹ”. Ông cũng cho rằng sẽ là một chuyến đi thành công nếu chính sách kinh tế của ông Abe thuyết phục được phía Mỹ hoặc ít nhất nó không bị bác bỏ hoàn toàn.
Thủ tướng Shinzo Abe tham dự phiên họp của Ủy ban Ngân sách Hạ viện Nhật Bản ngày 19-2. Ảnh: REUTERS
Trong chuyến công du, ông Abe sẽ tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh với ông Obama và có bài diễn văn tựa đề Nhật Bản trở lại. Các cố vấn cho biết ưu tiên số 1 của ông Abe trong chuyến thăm là sửa chữa một liên minh mà họ cho là đã bị sứt mẻ trong thời kỳ cầm quyền của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ- 2009-2012). “Trong 3 năm 3 tháng cầm quyền của chính phủ thuộc DPJ đã bộc lộ một sự khác biệt lớn trong liên minh Mỹ - Nhật, vì vậy mục tiêu lớn nhất là xây dựng lại liên minh” - một cố vấn thân cận với ông Abe nói.
Các chuyên gia cho rằng liên minh đã trải qua giai đoạn khó khăn dưới thời thủ tướng Yukio Hatoyama, người đã nỗ lực bất thành trong việc xét lại thỏa thuận chuyển một căn cứ không quân của hải quân Mỹ đến khu vực thưa thớt dân cư trên đảo Okinawa của Nhật.
Hai mối đe dọa tiềm tàng
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật chắc chắn dành thời gian thảo luận sự cần thiết của các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nhắm vào Triều Tiên và có thể trao đổi vấn đề phòng thủ tên lửa sau vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng hồi tuần trước.
Thủ tướng Abe, người được chính giới cho là có tư tưởng “diều hâu”, cũng hy vọng rằng một liên minh mạnh mẽ Mỹ - Nhật sẽ gửi tín hiệu đến Trung Quốc để nước này không có hành động gây huyên náo ở những đảo nhỏ trên biển Hoa Đông mà cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền. “Điều quan trọng với chúng tôi là làm cho họ nhận ra rằng cố đạt được bằng cách ép buộc hay dọa dẫm là không thể. Và như vậy liên minh Nhật - Mỹ, cũng như sự hiện diện của Mỹ, sẽ là yếu tố then chốt” - ông Abe nói với báo Mỹ Washington Post trong một cuộc phỏng vấn.
Căng thẳng làm tăng nỗi lo ngại về những đụng độ quân sự bất ngờ gần quần đảo Senkaku hay Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc. Washington đã nhiều lần tuyên bố Senkaku nằm trong phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ.
Thủ tướng Abe: "Trung Quốc thích gây sự” "Thích gây sự với láng giềng là “chuyện muôn thuở” của Trung Quốc và nước này đang sử dụng mâu thuẫn về tranh chấp lãnh thổ với các nước khác để duy trì sự ổn định trong nước". Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phát biểu như vậy với báo The Washington Post ngày 21-2. Ông Abe cũng cảnh báo những thách thức mà giới lãnh đạo Trung Quốc phải đối mặt nếu các nước châu Á khác quyết định cắt giảm quan hệ thương mại và kinh tế vì bất bình với sự bành trướng trên biển của Bắc Kinh. Ông nhận định nếu không tăng trưởng kinh tế, lãnh đạo Trung Quốc “sẽ không kiểm soát được tình hình đất nước 1,3 tỉ dân”. Trong khi đó, báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc đưa tin Nhật đang xem xét phát triển tên lửa hành trình nhằm tấn công phủ đầu các căn cứ tên lửa của Triều Tiên.
H.Bình |
Bình luận (0)