Các nước thành viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 19-5 bác bỏ đòi hỏi của Tổng thống Mỹ Donald Trump về hành động trừng phạt nhằm vào tổ chức này. Thay vào đó, hội nghị trực tuyến của Đại hội đồng Y tế Thế giới, cơ quan ra quyết định cao nhất của WHO, nhất trí mở cuộc điều tra độc lập, công bằng và toàn diện về hoạt động ứng phó đại dịch Covid-19 của WHO. Cụ thể, nghị quyết được toàn bộ 194 thành viên WHO thông qua hứa hẹn một cuộc đánh giá toàn diện về WHO nhằm xem xét những bài học, kinh nghiệm rút ra từ sự điều phối phản ứng toàn cầu của WHO đối với Covid-19.
Theo đài CNN, nghị quyết không đề cập đến bất kỳ nước nào nhưng một số quốc gia, trong đó có Mỹ, cáo buộc Trung Quốc che giấu thông tin về virus SARS-CoV-2 (gây ra dịch Covid-19), được phát hiện đầu tiên ở TP Vũ Hán vào cuối năm 2019. Đáng chú ý, Trung Quốc không phản đối nghị quyết nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 18-5 nói rằng bất kỳ cuộc điều tra nào như thế chỉ nên diễn ra sau khi cuộc khủng hoảng được kiểm soát.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus dự hội nghị trực tuyến của Đại hội đồng Y tế Thế giới hôm 19-5Ảnh: Reuters
Nhà Trắng trong tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu tìm cách nhận chiến thắng khi cho rằng nghị quyết được thông qua tại hội nghị không khác gì sự ủy nhiệm để điều tra những nỗi lo của ông Donald Trump về nguồn gốc virus SARS-CoV-2. Dù vậy, theo tờ The New York Times, nghị quyết trên không đáp ứng được những đòi hỏi ông chủ Nhà Trắng đưa ra trong tối hậu thư được công bố hôm 18-5. Theo nội dung lá thư dài 4 trang gửi đến Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus này, ông Donald Trump dọa sẽ đóng băng quỹ tài trợ cho WHO trong thời gian dài và xem xét lại quy chế thành viên của Mỹ tại tổ chức nếu WHO không cam kết thực hiện "những cải thiện thực chất đáng kể" trong vòng 30 ngày tới.
Việc gửi tối hậu thư được xem là động thái leo thang mạnh mẽ so với những chỉ trích trước đó của ông Donald Trump về chuyện WHO và Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho sự lây lan của dịch Covid-19. Có ý kiến cho rằng thông qua động thái đổ lỗi nói trên, ông Donald Trump muốn tránh né trách nhiệm đối với cuộc khủng hoảng y tế đang khiến hơn 90.000 người thiệt mạng tại Mỹ.
Tuy nhiên, đại diện các nước thành viên khác đã phớt lờ yêu cầu cải tổ WHO trong lúc kêu gọi thế giới đoàn kết ủng hộ tổ chức này trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. "Đây là thời điểm thể hiện đoàn kết" - bà Battu-Henriksson, phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu, nhấn mạnh và cho biết Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ WHO trong nỗ lực ngăn chặn, giảm nhẹ tác động của đại dịch Covid-19, đồng thời đã tài trợ thêm nhằm hỗ trợ nỗ lực này của WHO.
Tờ The New York Times nhận định diễn biến trên phản ánh sự cô lập của Washington tại hội nghị khi đại diện nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, Nga và EU bác bỏ chỉ trích của ông Donald Trump nhằm vào WHO. Theo một số chuyên gia, việc giới chức Mỹ tiếp tục công kích WHO đe dọa đến nỗ lực ứng phó dịch Covid-19 của cộng đồng quốc tế, nhất là tại các nước nghèo đang dựa nhiều vào tổ chức này. Họ lo ngại hành động chỉ trích WHO của Mỹ có thể chọc giận các đồng minh thân cận, từ đó gây hại đến các lợi ích của Washington. Một nỗi lo khác là Mỹ có thể vô tình làm suy yếu vai trò của mình và mở đường để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng chiến lược tại tổ chức này.
Tổng Giám đốc WHO được nhiều người ủng hộ
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 19-5 tuyên bố sẽ tiếp tục dẫn dắt cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch Covid-19, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ dành cho một cuộc điều tra nhằm vào công tác ứng phó đại dịch của tổ chức này. "WHO vẫn luôn giữ cam kết minh bạch, có trách nhiệm và liên tục cải thiện…Trọng tâm hiện tại của WHO là chống đại dịch bằng mọi công cụ đang có" - ông Ghebreyesus nhấn mạnh tại hội nghị Đại hội đồng Y tế Thế giới.
Bất chấp sức ép của Mỹ, theo Reuters, Tổng Giám đốc WHO nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà lãnh đạo, trong đó có Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. "Vào những thời điểm như hiện tại, hành động can đảm tuyệt vời nhất là thể hiện sự đoàn kết" - bà Leyen khẳng định, đồng thời kêu gọi sự hợp tác quốc tế để ứng phó dịch Covid-19. Trong khi đó, đại diện của CHDCND Triều Tiên tham dự hội nghị cho rằng việc đổ lỗi cho WHO hoặc một nước thành viên trong khi phớt lờ "những cảnh báo của WHO và không đưa ra bất cứ hành động phù hợp nào" là "biểu hiện của sự vô trách nhiệm".
Bên cạnh đó, một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19, như Tây Ban Nha và Ý, cho rằng WHO có thể trở nên mạnh mẽ hơn sau đại dịch thông qua cải cách. "Đây là thời điểm để đổi mới WHO và chúng tôi tái khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với tổ chức này" - Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez khẳng định.
Cao Lực
Bình luận (0)