Báo Sankei (Nhật Bản) ngày 13-8 dẫn lời Tướng Shigeru Iwasaki, Tham mưu trưởng Liên quân Nhật Bản, cho biết giới lãnh đạo cấp cao nước này đã chấp thuận một kế hoạch tác chiến nhằm bảo vệ Senkaku.
Trước mắt, lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản được lệnh lên kế hoạch đối phó. Trong trường hợp tàu công vụ hoặc tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển gần Senkaku, nếu tàu tuần tra bờ biển Nhật không chống cự nổi thì Bộ Quốc phòng Nhật sẽ phái ngay tàu chiến ra ứng cứu và triển khai các hành động quân sự trên biển.
Tàu Hồng Kông rời Tiêm Sa Chủy ra Senkaku ngày 12-8. Ảnh: Reuters
Phản ứng cứng rắn của Nhật Bản nhằm đáp lại hành động kéo nhau ra đảo Senkaku của tàu Trung Quốc và hai vùng lãnh thổ Hồng Kông, Đài Loan. Báo Hong Kong Standard cho biết ngày 12-8, nhóm 15 nhà hoạt động thuộc Ủy ban hành động bảo vệ đảo Điếu Ngư của Hồng Kông do ông Trần Diệu Đức dẫn đầu đã rời cảng Tiêm Sa Chủy trên tàu cá Bảo Điếu II.
Dự kiến, tàu Bảo Điếu II sẽ gặp tàu của Hạ Môn (Trung Quốc) và Đài Loan ở đảo Bành Giai, phía đông bắc Đài Loan ngày 14-8. Sau đó cả nhóm sẽ tiến thẳng đến quần đảo Senkaku và có thể đến quần đảo tranh chấp này vào ngày 15-8.
Giới chuyên gia nhận định các nhà hoạt động của Trung Quốc và hai vùng lãnh thổ trên “lựa gió bẻ măng”, thừa cơ hội Nhật - Hàn đang căng thẳng về chủ quyền đảo Takeshima/Dokdo để kéo đến Senkaku. Mục đích của họ nhằm phản đối kế hoạch thăm Senkaku của các nghị sĩ Nhật Bản vào ngày 19-8.
Vấn đề đặt ra là có hay không sự phối hợp hay sắp đặt trước của các tàu này. Thậm chí, ông Trần Diệu Đức cho biết họ đã yêu cầu hải quân Trung Quốc điều tàu hộ tống như Đài Loan từng phái 5 tàu tuần duyên bảo vệ một tàu cá của đảo này ra Senkaku ngày 4-7 vừa qua.
Từ năm 2009, chính quyền Hồng Kông đã ngăn chặn tàu bè của đặc khu đến Senkaku nhằm tránh xung đột không cần thiết với Nhật Bản. Báo Hong Kong Standard cho biết một tàu tuần tra của cảnh sát Hồng Kông đã áp sát tàu Bảo Điếu II để yêu cầu tàu quay lại cảng tối 12-8, song các thành viên trên tàu đã khóa buồng lái và đi tiếp khiến cảnh sát phải rời khỏi tàu.
Đáp trả Nhật Bản, ngày 14-8, Thời báo Hoàn cầu phản đối Nhật Bản phái quân đội ra đối phó với các nhà hoạt động trên. “Nhật Bản làm vậy là buộc Trung Quốc phải phái tàu chiến ra vùng biển Điếu Ngư. Xung đột giữa nhà hoạt động của các nước liên quan có thể leo thang thành cuộc “nói chuyện” bằng tàu chiến, làm xấu đi an ninh Đông Á” - tờ báo đe dọa.
Bình luận (0)