Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh đã triệu khẩn cấp Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Uichiro Niwa và gọi điện cho người đồng cấp Nhật Bản Tsuyoshi Yamaguchi, theo Tân Hoa Xã.
Bà Phó Oánh tái khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và các hòn đảo phụ cận, đồng thời yêu cầu phía Nhật Bản đảm bảo an toàn của các công dân Trung Quốc và lập tức trả tự do vô điều kiện cho họ.
Đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh cho biết sẽ theo dõi sát sao vụ việc và điều các quan chức về nhập cư đến Nhật Bản để hỗ trợ cho các nhà hoạt động. “Nhật Bản cần đảm bảo an toàn cho các nhà hoạt động, nhất là các công dân Hồng Kông. Lập trường của chúng tôi về lãnh thổ rất rõ ràng. Quần đảo này thuộc về Trung Quốc” - ông Lương nhấn mạnh.
Tàu Hồng Kông bị 2 tàu tuần tra Nhật kè sát. Ảnh: AP
Các nhà hoạt động bị bắt khi cố cắm cờ Trung Quốc, Đài Loan lên đảo. Ảnh: AP
Không chịu thua, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng triệu Đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa để chuyển công hàm phản đối chính thức tới Bắc Kinh. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda khẳng định sẽ xử lý nghiêm vụ việc này theo quy định pháp luật.
Cũng trong ngày 15-8, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Trung Quốc và Nhật Bản giải quyết tranh chấp trên biển Hoa Đông bằng con đường ngoại giao. Phát biểu trong cuộc họp báo hằng ngày, người phát ngôn Victoria Nuland nêu rõ: "Chúng tôi hy vọng các bên tuyên bố chủ quyền giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp hòa bình. Bất cứ hành động khiêu khích nào cũng đều không hữu ích".
Như vậy, Mỹ ngụ ý việc các nhà hoạt động Hồng Kông đổ bộ lên Senkaku bất chấp cảnh báo của Tokyo là hành động gây rắc rối dù bà Nuland tái khẳng định lập trường của Mỹ không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp lãnh thổ này.
5 nhà hoạt động đầu tiên bị đưa về thành phố Naha, tỉnh Okinawa ngày 16-8. Ảnh: Tân Hoa Xã, Reuters
Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư là điểm nóng trên biển Hoa Đông. Nguồn: BBC
Trước đó, vào chiều cùng ngày, Nhật Bản đã bắt giữ 14 nhà hoạt động Hồng Kông, trong đó có 7 người đã đặt chân lên quần đảo Senkaku để khẳng định tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với quần đảo.
“Các nhà hoạt động bất chấp cảnh bảo của Nhật Bản để đổ bộ lên đảo. Tuy nhiên, không ai bị thương trong lúc bị bắt. Họ sẽ được đưa về thành phố Naha, thủ phủ của tỉnh Okinawa, để điều tra” – cảnh sát Okinawa cho biết. Trước đó, người phát ngôn Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật nói các nhà hoạt động có thể được giao cho Cục Nhập cư Nhật Bản và trục xuất về Hồng Kông nếu không phạm tội gì khác.
Trong một bài xã luận riêng, Tân Hoa Xã tố cáo Tokyo đang đẩy căng thẳng trong tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku lên một nấc thang mới và nói rằng các nhà hoạt động đã bị “bắt giữ trắng trợn khi đang nỗ lực đặt chân lên lãnh thổ Trung Quốc".
Nhóm bị bắt nói trên thuộc Ủy ban Hành động Bảo vệ quần đảo Điếu Ngư. Họ rời Hồng Kông ngày 12-8 và tìm cách tiếp cận quần đảo chiều 15-8, bất chấp việc bị nhiều tàu tuần tra Nhật bao vây. Nhóm này từng nhiều lần nỗ lực tiếp cận các đảo tranh chấp nhưng ngoài hai lần thành công vào năm 1996 và 2004, họ luôn bị các tàu tuần tra Nhật Bản ngăn chặn.
Bình luận (0)