Tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung (S&ED) lần thứ 7 ở thủ đô Washington trong 2 ngày 23 và 24-6, các quan chức ngoại giao, tài chính 2 nước sẽ tập trung thảo luận các vấn đề toàn cầu và khu vực, trong đó ưu tiên tìm giải pháp cho những bất đồng giữa 2 nước.
Biển Đông và an ninh mạng
Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew của nước chủ nhà sẽ tiếp đón Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng Uông Dương của Trung Quốc trong ngày 22-6 trước khi các cuộc đối thoại chính thức khai mạc một ngày sau đó.
Ngoài những mối quan ngại chung như biến đổi khí hậu, chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên, S&ED dự kiến ưu tiên thảo luận các bất đồng giữa 2 nước về an ninh mạng, thương mại và nhất là tình hình biển Đông. “Chúng tôi sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước các bất đồng và sẽ tìm cách giải quyết thông qua đối thoại trực tiếp” - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á Danny Russel khẳng định trước thềm đối thoại.
Hiện Mỹ và Trung Quốc vẫn đang tranh cãi về yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở biển Đông trong bối cảnh Washington nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh dừng ngay việc cải tạo đất phi pháp tại vùng biển này. Ông Russel khẳng định việc Trung Quốc có thể quân sự hóa các đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở biển Đông là đi ngược lại mục tiêu giảm căng thẳng trong khu vực.
“Không ai mong muốn xảy ra xung đột ở đây và không có lý do nào phải đẩy sự việc đi đến mức đó. Đó là lý do tại sao cuộc họp mấy ngày tới đây rất quan trọng” - hãng tin AP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói trước khi S&ED diễn ra.
Ngoài chuyện biển Đông, quan hệ Mỹ - Trung còn thêm căng thẳng sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh tiến hành các vụ tấn công mạng nhằm vào mình. Gần đây nhất, Trung Quốc bị nghi đứng sau vụ đánh cắp thông tin cá nhân của khoảng 14 triệu nhân viên liên bang đang làm việc cũng như nghỉ hưu của Mỹ. Bắc Kinh đã phủ nhận sự liên quan, đồng thời cho biết mình cũng là một nạn nhân của các vụ tấn công mạng.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì
Ảnh: AP
Bắc Kinh dịu giọng
Những tranh cãi về thương mại dự kiến cũng phủ bóng lên S&ED năm nay, như việc Trung Quốc ủng hộ thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) và nỗi lo đồng nhân dân tệ bị định giá thấp của Washington.
Ngoài ra, theo hãng tin AP, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ lo ngại rào cản pháp lý tại Trung Quốc đang tăng bất chấp lời hứa thúc đẩy cải cách kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình. Hai nước còn gặp khó trong nỗ lực ký kết một hiệp định đầu tư song phương theo đuổi từ 2 năm trước.
Giới phân tích nhận định sẽ không có nhiều kết quả cụ thể đạt được tại S&ED lần thứ 7 nhưng vẫn đánh giá đây là diễn đàn quan trọng để Mỹ - Trung xử lý quan hệ song phương. Không những thế, Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Trịnh Trạch Quang nhận định S&ED năm nay được xem là bước chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự kiến diễn ra vào tháng 9-2015. Tân Hoa Xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết đây là một cơ hội để “thúc đẩy tiến triển trong quá trình xây dựng mô hình mới về quan hệ giữa các nước lớn”.
Nhân dịp này, giới truyền thông Trung Quốc tìm cách nhấn mạnh đến những lợi ích chung trong nỗ lực giảm nhẹ bất đồng với Mỹ. “Sau nhiều tháng căng thẳng về vấn đề biển Đông, quan hệ Mỹ - Trung dường như đang dần trở nên yên ả hơn” - Nhật báo Trung Quốc ngày 20-6 nhận định.
Tờ báo này dẫn lời giáo sư Vương Nghĩa Ngôi thuộc Trường ĐH Nhân dân nhận định: “Mỹ hiểu rõ hậu quả của việc đối đầu Mỹ - Trung, chính vì thế sẽ không xảy ra xung đột trong cuộc họp lần này. Tuy nhiên, Mỹ vẫn phải tiếp tục chỉ trích các động thái của Trung Quốc ở biển Đông để thể hiện sức mạnh của mình cũng như duy trì cam kết với các đồng minh ở châu Á”.
Bình luận (0)