Tổng cộng 57 quốc gia đã tham gia AIIB với tư cách là thành viên sáng lập, trong đó có các nước Anh, Đức và Pháp thuộc nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7).
Mỹ và Nhật vẫn bên lề sáng kiến thành lập AIIB do Trung Quốc khởi xướng do cả hai quan ngại về cơ chế quản trị, các vấn đề môi trường, lao động... AIIB có thể sẽ là một thách thức đối với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Nhật Bản dẫn đầu và Ngân hàng Thế giới (WB) do Mỹ chi phối.
Ông Lục Khảng tại cuộc họp báo ngày 18-6 Ảnh: FMPRC.GOV.CN
Trong cuộc họp báo ngày 18-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết: “Mục đích của sáng kiến thành lập AIIB do Trung Quốc khởi xướng là nhằm giúp các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực giải quyết một số khó khăn thực tế mà họ phải đối mặt, bảo đảm sự phát triển và thịnh vượng. Chúng tôi tin rằng thái độ đúng đắn là tìm hiểu, giải quyết các khó khăn của khu vực thay vì vạch lá tìm sâu”.
Nhu cầu tài chính của châu Á rất lớn, một khi có một phương tiện giải quyết thì đó là chuyện tốt, người phát ngôn họ Lục nói thêm. Theo ông, “hiện có nhiều quốc gia muốn tham gia AIIB. Tuy nhiên, nếu một số nước không muốn tham gia và tiếp tục tìm kiếm lỗi trong khi các nước khác tìm cách giải quyết các vấn đề, thái độ này không phải chút nào”.
Tuần trước có thông tin Trung Quốc sẽ nắm quyền phủ quyết tại AIIB về các vấn đề quan trọng, như cấu trúc ngân hàng, kết nạp thành viên, tăng vốn, lựa chọn dự án cấp vốn...
Điều này dẫn đến lo ngại AIIB có thể trở thành “ngân hàng của Trung Quốc” bất chấp cam kết theo đuổi chương trình nghị sự đa phương. Một mặt, Bắc Kinh có thể tác động để những quyết định của AIIB có lợi cho “gà nhà”; mặt khác, những nước vay tiền có nguy cơ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, không chỉ về tài chính.
Bình luận (0)