Nỗ lực tìm kiếm giải pháp đối phó hiệu quả với nạn kẹt xe đang được đẩy mạnh giữa lúc có những cảnh báo về thiệt hại nghiêm trọng từ tình trạng này.
Khởi đầu không tệ
Theo báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR, trụ sở ở Anh), nền kinh tế Mỹ và châu Âu được cho là sẽ bị tổn thất đến 293 tỉ USD vào năm 2030 (tăng gấp đôi so với năm 2013) nếu không có động thái đáng kể nào để làm giảm bớt tình trạng kẹt xe. Trong khi đó, một nghiên cứu của Công ty INRIX (Mỹ) đánh giá người lái xe Mỹ thiệt hại đến 300 tỉ USD (về nhiên liệu và thời gian bị lãng phí) vào năm ngoái do tình trạng ùn tắc giao thông.
Hình ảnh minh họa về giải pháp chống kẹt xe độc đáo của tỉ phú Elon Musk Ảnh: CNBC
Đáng chú ý, giao thông tại TP Los Angeles - Mỹ bị xem là tồi tệ nhất trong số 1.604 thành phố khắp thế giới được khảo sát. Theo tính toán, mỗi tài xế lãng phí trung bình 104 giờ trên đường ở Los Angeles trong năm 2016, từ đó bị thiệt hại 2.408 USD.
Đối mặt tình trạng trên, tỉ phú người Mỹ Elon Musk, nhà sáng lập Công ty Thám hiểm không gian SpaceX và Giám đốc điều hành hãng xe điện Tesla, đã nghĩ ra giải pháp độc đáo: xây dựng một hệ thống đường hầm bên dưới những đường phố dày đặc xe cộ ở Los Angeles với hy vọng giúp giao thông địa phương bớt căng thẳng. Nếu đường quá đông, tài xế chỉ cần lái xe đi vào chỗ có máng trượt điện. Máng trượt này sẽ tự động đưa xe xuống đường hầm và chạy với tốc độ lên tới 200 km/giờ, nhanh hơn vài lần so với tốc độ chạy trên mặt đường.
Qua một loạt thông tin ông Musk đăng tải trên mạng xã hội gần đây, người ta nhận thấy dự án này đang có sự khởi đầu không tệ. Một đoạn clip cho thấy Công ty Boring của ông Musk đang xây dựng đường hầm thử nghiệm đầu tiên.
Giải pháp công nghệ cao
Cũng nhằm đối phó nạn kẹt xe, một công trình nghiên cứu mới đây của Trường ĐH Illinois (Mỹ) cho thấy ngay cả một số lượng nhỏ ô tô tự hành cũng có thể làm giảm đáng kể tình trạng kẹt xe trên đường. Các nhà nghiên cứu phát hiện chỉ 1 chiếc ô tô tự hành giữ nguyên tốc độ có thể giúp 19 tài xế đi sau giảm bớt thao tác tăng tốc không cần thiết, làm cải thiện tình trạng dòng xe lưu thông. Điều đó còn giúp giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ đến 40%.
Toàn bộ xe lưu thông trên đường đều là ô tô tự hành hiện vẫn là một ước mơ xa vời. Thế nhưng, theo trang DQ India, ý tưởng đặt một vài chiếc tự hành vào dòng xe cộ nối đuôi nhau vì kẹt xe xem ra là ý tưởng hay để giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông.
Theo báo Standard, nhà chức trách Anh còn dự định thử nghiệm cột đèn tín hiệu giao thông thông minh ở thị trấn Milton Keynes trong vòng 1 năm từ tháng 9 tới. Công nghệ đèn giao thông thông minh có khả năng nhận biết xe đạp và xe buýt, đồng thời cho các loại xe này quyền ưu tiên so với ô tô và xe tải.
Hệ thống đèn này dựa vào 2.500 camera được lắp đặt ngoài đường phố và có khả năng nhận biết các loại xe. Nếu camera phát hiện dòng xe có nhiều xe buýt, xe đạp hoặc xe cấp cứu, nó sẽ để đèn xanh lâu hơn bình thường. Nếu kết quả tốt đẹp, công nghệ này sẽ được áp dụng ở London.
Hiểm họa từ khí thải xe cộ
Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp khí khoa học Nature, có ít nhất 38.000 người tử vong trong năm 2015 vì lượng khí thải diesel từ các phương tiện giao thông. Các nhà khoa học tiết lộ hầu như tất cả loại xe chạy bằng diesel đều thải ra nhiều khí độc nitrogen oxide (NOx) vượt mức quy định và lượng khí thừa này lên tới 4,6 triệu tấn vào năm 2015.
Điều này dẫn tới cái chết của hơn 38.000 người vì các căn bệnh liên quan đến tim, phổi và đột quỵ. Cũng theo nghiên cứu nêu trên, ngay cả khi các loại xe chạy diesel thải khí không quá giới hạn cho phép vẫn sẽ có 70.000 người tử vong vì NOx mỗi năm. Bà Susan Anenberg, một chuyên gia tại Công ty Tư vấn Environmental Health Analytics (Mỹ), cảnh báo: "Hậu quả của NOx với sức khỏe cộng đồng là một vấn đề rất đáng lo ngại".
Các loại xe tải, xe buýt thương mại được xem là thủ phạm lớn nhất khi thải ra hơn 3/4 lượng NOx dư thừa trên toàn cầu. Trong khi đó, 90% lượng khí thải này tập trung ở 5 nước hoặc khu vực: Brazil, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Ấn Độ và Mỹ.
Các nhà nghiên cứu ước tính tình trạng ô nhiễm NOx đến năm 2040 sẽ gây ra hơn 183.000 ca chết sớm mỗi năm. Ông Ray Minjares, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quốc tế về giao thông sạch (Mỹ), nhận định cách quan trọng nhất để giảm những tác động đến sức khỏe của NOx là "các nước phải áp dụng những tiêu chuẩn châu Âu dành cho phương tiện giao thông hạng nặng".
Bảo Hạnh
Bình luận (0)