Các nhà lãnh đạo thế giới đang đối mặt sức ép phải tập trung vào kế hoạch hành động chi tiết, thay vì chỉ đưa ra cam kết, khi tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), dự kiến diễn ra tại TP Glasgow, Scotland - Vương quốc Anh, từ ngày 31-10 đến 12-11.
Theo i, hội nghị lần này có thể được xem là cơ hội cuối để đưa thế giới trở lại đúng quỹ đạo trong nỗ lực đạt được mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris năm 2015, tức nhiệt độ toàn cầu vào cuối thế kỷ này chỉ tăng từ 1,5-2 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp.
Dù vậy, một loạt diễn biến trước thềm COP26 báo hiệu không ít khó khăn đang chờ đón hội nghị trên. Một nhóm nhà lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương hôm 29-10 thúc giục thế giới đoàn kết và có hành động cụ thể, mạnh mẽ và tức thì để đối phó tình trạng biến đổi khí hậu đang đe dọa sự tồn tại của các đảo quốc này.
Một cuộc tuần hành kêu gọi bảo vệ khí hậu trái đất trước thềm COP26 tại thủ đô Brussels - Bỉ hôm 10-10 Ảnh: REUTERS
Lời kêu gọi trên được đưa ra một ngày sau khi Trung Quốc, nước phát thải lớn nhất thế giới (chiếm đến 27% tổng lượng khí phát thải toàn cầu), đệ trình lên Liên Hiệp Quốc kế hoạch mới nhằm cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Theo kế hoạch, Bắc Kinh cam kết lượng khí phát thải CO2 sẽ đạt mức cao nhất trước năm 2030 sau đó giảm dần và đạt mục tiêu trung hòa carbon trước năm 2060. Tuy nhiên, theo đài Al Jazeera, giới phân tích đánh giá kế hoạch trên không có nhiều thông tin mới, thiếu tham vọng và không đủ để giúp thế giới đạt mục tiêu trong Thỏa thuận Paris.
Chuyên gia Li Shuo thuộc Tổ chức Hòa bình xanh châu Á cho rằng Bắc Kinh cần đưa ra các kế hoạch mạnh mẽ hơn nhằm bảo đảm mức phát thải đạt mức cao nhất trước năm 2025.
Riêng tờ The New York Times nhận định kế hoạch mới của Trung Quốc còn nêu bật những thách thức chính trị, kinh tế mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt trong nỗ lực giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Trung Quốc đã có nhiều bước đi trong 5 năm qua nhằm làm chậm lại sự gia tăng của khí nhà kính. Tuy nhiên, nỗ lực này gặp rắc rối vào mùa thu năm nay khi nhu cầu điện gia tăng thúc đẩy việc sử dụng than đá để sản xuất điện.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn chứng tỏ tại COP26 rằng quốc gia phát thải lớn thứ hai thế giới đang trở lại cuộc chiến chống sự ấm lên của toàn cầu nhưng những tranh cãi trong nước đang đe dọa làm suy yếu thông điệp này.
Theo Reuters, ông Biden từng hy vọng sẽ công bố tại hội nghị này mục tiêu vào năm 2030 sẽ cắt giảm khí thải nhà kính từ 50%-52% so với mức năm 2005, từ đó khích lệ các quốc gia khác đưa ra hành động nhanh chóng, táo bạo để bảo vệ trái đất. Kế hoạch của ông chủ Nhà Trắng còn bao gồm khoản đầu tư hàng trăm tỉ USD vào năng lượng sạch.
Dù vậy, các nghị sĩ Đảng Dân chủ hiện vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về kế hoạch chi tiêu 1.750 tỉ USD của ông Biden, trong đó có 555 tỉ USD dành cho vấn đề biến đổi khí hậu. Nếu không có thỏa thuận nào đạt được trước khi ông Biden đến Glasgow ngày 1-11, nhà lãnh đạo Mỹ khó có thể thuyết phục thế giới rằng ông có thể hiện thực hóa các cam kết giảm phát thải carbon đã đưa ra.
Cam kết mạnh mẽ của Việt Nam
Nhận lời mời của Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland Boris Johnson và Thủ tướng Cộng hòa Pháp Jean Castex, Thủ tướng Phạm Minh Chính tối 30-10 đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự COP26 và thăm làm việc tại Vương quốc Anh từ ngày 31-10 đến 3-11-2021, thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp từ ngày 3 đến 5-11-2021.
Trên cương vị Chủ tịch COP26 và là nước đăng cai tổ chức hội nghị, Anh kỳ vọng và đang nỗ lực để hội nghị đạt được thỏa thuận về một số mục tiêu chính, như huy động đủ 100 tỉ USD/năm để tài trợ cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển; nhất trí được về cách thức xác định trước năm 2025 mục tiêu tài chính mới cho giai đoạn sau năm 2025...
Hội nghị sẽ đàm phán, thảo luận xây dựng các quy định mang tính ràng buộc thực hiện theo quy định của Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu. Hội nghị cũng tổ chức các hoạt động theo chủ đề song song với các hoạt động đàm phán và có sự tham gia của lãnh đạo cấp cao các quốc gia, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp lớn, các nhà khoa học...
Việt Nam đánh giá cao vai trò đi đầu của Anh trong việc đưa ra các cam kết và sáng kiến tại COP26, tiếp tục cam kết mạnh mẽ đóng góp cho nỗ lực toàn cầu ứng phó biến đổi khí hậu và phối hợp chặt chẽ với Anh để bảo đảm thành công của hội nghị.
Chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác truyền thống, tin cậy và chiến lược giữa hai nước. Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ ngày 12-4-1973, nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược vào tháng 9-2013.
Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 5 của Việt Nam. Trao đổi thương mại song phương 7 tháng đầu năm 2021 đạt 2,81 tỉ USD. Tính đến tháng 7-2021, Pháp đứng thứ 3 trong các nước châu Âu và đứng thứ 16 trong tổng số 140 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 605 dự án, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,6 tỉ USD.
Dương Ngọc
Bình luận (0)